Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa tham luận: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Trang chủ Hoạt động của đại biểu

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa tham luận: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, ngày 27/9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đã phát biểu tham luận về kế hoạch triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.  Trang thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân trân trọng đăng toàn văn bài tham luận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa (ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Tháp) phát biểu tham luận. Ảnh: quochoi.vn

Kính thưa hội nghị,

Được sự cho phép của Chủ trì Hội nghị, tôi xin trình bày tham luận về kế hoạch triển khai giám sát chuyên đề“Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Theo định hướng của Chủ trì Hội nghị, tôi xin đề cập một số điểm mới cần lưu ý trong kế hoạch triển khai giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51.

Thứ nhất, Kế hoạch chi tiết được xây dựng dựa trên việc quán triệt sâu sắc các quy định của pháp luật và tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội; phải xác định “đúng và trúng” nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát; đánh giá công bằng, khách quan; rõ  địa chỉ, rõ trách nhiệm; kiến nghị cụ thể, xác đáng. Tinh thần đó được thể hiện ở mục đích và yêu cầu của hoạt động giám sát.

Thứ hai, phạm vi, nội dung giám sát được xác định rõ, bám sát Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51. Thời gian giám sát được tính từ thời điểm Nghị quyết 88 có hiệu lực (tháng 11/2014) đến hết năm học 2021- 2022 (tháng 6/2022). Nội dung tập trung đánh giá 04 vấn đề: (1) Việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (2) Kết quả bước đầu; (3) Hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục. (4) Bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp, kiến nghị.

Thứ ba, đối tượng giám sát Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và 6 bộ có liên quan trực tiếp tới triển khai thực hiện Nghị quyết; Chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố; các cơ quan, tổ chức liên quan.

Thứ tư, Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phương thức giám sát của Đoàn được nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm của các đoàn giám sát trước đây, vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật, vừa được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Trong đó, có một số vấn đề mới:

(1) Kế hoạch và các đề cương chi tiết được thảo luận kỹ giữa cơ quan thường trực, Đoàn Giám sát với các đối tượng chịu sự giám sát, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời tiếp tục gửi xin ý kiến rộng rãi tại Hội nghị hôm nay, tạo sự thống nhất cao trong quá trình thực hiện. Dự kiến sẽ hoàn thiện, ban hành trong tháng 9/2022.

(2) Các đối tượng chịu sự giám sát được bố trí lượng thời gian phù hợp để chuẩn bị các nội dung, đồng thời gửi báo cáo về Đoàn giám sát. Đoàn giám sát làm việc trực tiếp với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan có liên quan và các địa phương; sau đó làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung báo cáo kết quả giám sát.

Đặc biệt, Đoàn giám sát sẽ bố trí hợp lý thời gian tập hợp, tổng hợp, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng kết quả giám sát. Việc đánh giá dựa trên báo cáo của các đối tượng chịu sự giám sát đóng vai trò quan trọng. Các vấn đề báo cáo chưa nêu rõ hoặc cần tìm hiểu sâu hơn sẽ được Đoàn yêu cầu bổ sung, làm rõ bằng văn bản. Chỉ tổ chức làm việc trực tiếp nếu thấy cần thiết.

(3) Các địa phương được lựa chọn để giám sát trực tiếp dựa trên các tiêu chí: có 2 địa phương là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn của cả nước; 6 địa phương đại diện cho các vùng miền ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam; địa bàn kinh tế xã hội thuận lợi hoặc khó khăn; có chất lượng giáo dục tốt hoặc còn hạn chế. Trên cơ sở đề xuất của Đoàn, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ điều phối chung các địa bàn để tránh trùng lặp; thông báo sớm để các địa phương và thành viên Đoàn chủ động sắp xếp, tổ chức thực hiện.

(4) Việc tổ chức tọa đàm, hội nghị tham vấn chuyên gia sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về quy mô, đối tượng để bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức; được tổ chức sau khi làm việc với Chính phủ.

Thứ năm, để đạt hiệu quả giám sát cao nhất, Đoàn Giám sát đặc biệt coi trọng công tác phối hợp với các cơ quan: (i) Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu độc lập đánh giá dư luận xã hội và kết quả điều tra xã hội học về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (ii) Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến của cư tri trước các kỳ họp Quốc hội có liên quan tới thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51; (iii) Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp các cơ quan nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (iv) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến góp ý, phản biện đối với các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát, góp ý kiến dự thảo Báo cáo kết quả giám sát; (v) Kiểm toán nhà nước báo cáo tổng hợp các kết quả kiểm toán liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát; (vi) Sử dụng kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chuyên môn.

Để tránh trùng lặp trong hoạt động giám sát tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức giám sát và xây dựng báo cáo theo tinh thần: (i) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội tổng hợp thông tin về tâm tư, nguyện vọng của người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ sở giáo dục phổ thông; đánh giá tác động của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đến đời sống xã hội...(ii) Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức hoạt động giám sát tại địa phương, có sự tham gia phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Báo cáo kết quả giám sát làm rõ kết quả, tồn tại hạn chế, các bài học kinh nghiệm; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất các kiến nghị. Khuyến khích Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp tổ chức giám sát và xây dựng báo cáo kết quả giám sát chung.

Thứ sáu, chủ đề giám sát được đặc biệt quan tâm; do vậy, cần đặc biệt chú ý tới công tác tuyên truyền, bảo đảm phản ánh trung thực các hoạt động của Đoàn và kết quả giám sát; tạo sự đồng thuận trong xã hội; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Đoàn Giám sát đã đề ra.

Kính thưa toàn thể Hội nghị,

Chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là chuyên đề có ý nghĩa quan trọng; cũng là vấn đề khó, nhiều nội dung có tính chất phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn tới cử tri và nhân dân cả nước. Trân trọng đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng giám sát phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, đúng thời hạn theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Trân trọng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các nội dung đã thống nhất trong Kế hoạch và các nhiệm vụ phát sinh; hỗ trợ Đoàn Giám sát hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Trân trọng đề nghị các đồng chí thành viên Đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn, tuân thủ đúng quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân theo kế hoạch.

Xin kính chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!