Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Bổ sung Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

PHOBIENPHAPLUAT Tin tức

Bổ sung Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 9/2022, Chính phủ đã thống nhất bổ sung Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Ảnh minh hoạ

Về đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây dựng Luật, nội dung cơ bản của các chính sách nhằm tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Chính phủ yêu cầu khi xây dựng Luật cần quán triệt quan điểm: (1) Thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. (2) Bảo đảm phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh xã hội hóa, giảm tải cho bộ máy nhà nước, tạo cơ chế hoạt động minh bạch; đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội, ưu tiên người yếu thế, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đề cao trách nhiệm và vai trò đóng góp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đối với xã hội.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật tập trung vào 4 chính sách đã được nêu trong Nghị quyết, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật đề nghị Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Nguồn: 126/NQ-CP

Minh Quân