Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Trang chủ Hoạt động của đại biểu

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 4, chiều 03/11, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.

Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn 04 nhóm vấn đề tại kỳ họp thứ 4

Nhà ở tái định cư để hoang hóa

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc phát triển nhà ở tái định cư (TĐC) trong thời gian qua khi Nhà nước thu hồi đất còn nhiều bất cập, có nơi có, có nơi không, mà không thì nhiều hơn, có nơi xây dựng chưa tính đến nhu cầu của người dân nên không có người ở để hoang hóa, gây thất thoát, lãng phí. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp xử lý?

Trong nhiều năm qua, vai trò của doanh nghiệp, người dân trong phát triển nhà ở cho công nhân rất quan trọng. Tuy nhiên cũng còn nhiều bất cập, diện tích nhà không đạt và không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp khắc phục hạn chế trên. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích để doanh nghiệp và người dân đầu tư, góp phần chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước xây dựng nhà ở cho công nhân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa về nhà ở TĐC, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận nhiều dự án nhà ở TĐC được hình thành nhưng đến nay bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 2014.

Theo Bộ trưởng nguyên nhân là do người dân không có nhu cầu TĐC; nhà ở TĐC xuống cấp, không đảm bảo chất lượng; công tác tái định cư chủ yếu người dân có chỗ ở, các chính sách an sinh xã hội tiếp theo như đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phục hồi thu nhập; vị trí dự án không thuận lợi trong giao thông cũng như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo v.v…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đưa ra 04 giải pháp sắp tới: (1) Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhà ở, đất đai theo hướng đồng bộ để đảm bảo việc TĐC cho các hộ gia đình, cá nhân. Xác định nhu cầu nhà ở TĐC; (2) Rà soát kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở TĐC cho từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu về công tác giải phóng mặt bằng; (3) Rà soát công tác quy hoạch các khu tái định cư để định hướng xây dựng các khu TĐC đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vị trí kết nối giao thông thuận lợi; (4) Rà soát, bổ sung các quy định về nguyên tắc, hình thức bố trí TĐC và các nguồn vốn để thực hiện nhà ở TĐC, quan tâm nâng chất lượng nhà ở TĐC để đảm bảo điều kiện ở, điều kiện sống của người dân.

Nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát sông

Đại biểu Trần Văn Sáu nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Sáu nêu rõ đến năm 2025 Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc và cần tới 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác, do đó nhu cầu san lấp cát là rất lớn, nhưng nếu tiếp tục khai thác cát quá mức gây sạt lở, sụt lún và rất có thể dẫn tới xung đột. Theo Bộ trưởng giải pháp nào để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình trọng điểm quốc gia và khi nào có vật liệu khác thay thế cát sông?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi đi thị sát, kiểm tra tiến độ triển khai các dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam khu vực phía Đông tại khu vực ĐBSCL. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan thực hiện việc nghiên cứu vật liệu thay thế cho cát sông khi triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm ở khu vực này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn liên quan đến vật liệu xây dựng mới
thay thế cho cát sông.
Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, nhu cầu dùng cát để làm vật liệu cho các công trình giao thông của khu vực ĐBSCL chiếm tới 39 triệu m3. Tuy nhiên, hiện nay khu vực ĐBSCL chỉ có khoảng 26 triệu m3, như vậy, thiếu một lượng vật liệu xây dựng là cát nền rất lớn. Bộ đang triển khai quyết liệt, đã lấy mẫu, làm các xét nghiệm. Theo những kết quả ban đầu thì nếu sử dụng cát biển thay cho cát sông riêng khu vực ĐBSCL lượng cát biển có thể lên tới 150 tỷ triệu khối. Nếu thành công thì không chỉ dùng cho ĐBSCL mà có thể áp dụng cho cả nước.

Theo như tiến độ của Bộ Giao thông vận tải chủ động nghiên cứu triển khai, khoảng cuối năm 2023 sẽ có kết quả có sử dụng vật liệu này để thay thế cho cát sông được không. Nghiên cứu ban đầu cho thấy cũng rất khả thi, tuy nhiên vẫn còn có những yếu tố kỹ thuật cần phải làm tiếp. Thực tế trên thế giới đã có một số nước áp dụng nguyên vật liệu này.

Bộ trưởng cũng cho biết, tro xỉ cũng là một nguyên vật liệu có thể thay thế được, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Giao thông và Bộ Xây dựng đã có những văn bản hướng dẫn, có những quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản thông báo cho các nhà thầu có thể sử dụng các nguyên vật liệu từ tro xỉ để thực hiện thay thế hỗ trợ cùng với nguyên vật liệu là cát sông để thực hiện san nền cho các công trình, các dự án thuộc công trình của Bộ Giao thông.

Khải Hân