Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Hài hòa giữa chuyên trách và biên chế

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Hài hòa giữa chuyên trách và biên chế

Giải quyết hài hòa giữa việc tăng đại biểu HĐND chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh nhưng không tăng biên chế là mối quan tâm hiện nay ở nhiều địa phương.

Trong bối cảnh đó, ý tưởng của các Văn phòng HĐND cấp tỉnh từ những năm trước cũng cần được xem xét lại thấu đáo, đầy đủ và toàn diện hơn. Phát triển ý tưởng này theo hướng là Ban của HĐND cấp tỉnh, nghĩa là số chuyên viên giúp việc là đại biểu và ủy viên các Ban của HĐND; vừa tăng đại biểu chuyên trách nhưng sẽ góp phần giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ý tưởng ban đầu

Trước đây (khoảng từ năm 2008 - 2016), ở Văn phòng HĐND một số tỉnh đã hình thành các phòng chuyên môn gắn liền với nhiệm vụ của các Ban HĐND tỉnh, các phòng tham mưu, giúp việc Thường trực HĐND và việc chung của Văn phòng. Theo đó, có nơi thành lập từ 6-7 phòng. Để thành lập và bổ nhiệm lãnh đạo phòng, Văn phòng HĐND cấp tỉnh phải xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo Đoàn ĐBQH. Mục đích mà các văn phòng hướng tới là chuyên môn hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của từng ban đã được pháp luật quy định, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh Kon Tum làm việc với UBND huyện Đăk Glei về xây dựng Đăk Mi1. Ảnh: Hải Hiển

Có thể nói, tuy chưa có nhiều những cuộc hội thảo, những nghiên cứu thật thỏa đáng về “hiện tượng” này nhưng tính chuyên nghiệp, chuyên sâu đã bộc lộ rõ ở các địa phương. Chính vì điều đó, chất lượng giám sát, khảo sát, thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh ở những nơi này đã có chuyển biến tích cực, giúp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh quyết định có hiệu quả nhiều vấn đề quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Tăng chất lượng, không tăng biên chế

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng những năm gần đây, chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND đã tăng lên đáng kể là nhờ phần lớn vào hoạt động của đại biểu HĐND chuyên trách. Khách quan là nhờ có những quy định mới của pháp luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015… đã tăng đại biểu HĐND chuyên trách ở Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh (Khoản 2, Khoản 3 Điều 18, Luật Tổ chức chính quyền địa phương); đồng thời, làm cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động HĐND. Mặt khác, các đại biểu chuyên trách đã có những nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, vì luật có những quy định “mở”, một số quy định của pháp luật chưa có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nhưng ở nhiều địa phương đã có cách làm hiệu quả, thiết thực, đúng luật.

Khi nói về Văn phòng HĐND, ngoài địa vị pháp lý, dường như cơ quan có thẩm quyền thường hay xoay quanh việc có mấy phòng và bao nhiêu biên chế là phù hợp?!. Để từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chỉ rõ: “Những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội…”. Như vậy, ý tưởng của các Văn phòng HĐND cấp tỉnh từ những năm trước cũng cần xem xét lại một cách thấu đáo, đầy đủ và toàn diện hơn.

Phát triển ý tưởng này (thực tế là các ủy ban của Quốc hội đã thực hiện) theo hướng là Ban của HĐND cấp tỉnh, nghĩa là số chuyên viên giúp việc là đại biểu và là ủy viên các Ban của HĐND. Thực hiện theo hướng này vừa tăng đại biểu hoạt động chuyên trách nhưng sẽ góp phần giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hơn thế nữa, khi xác định là ủy viên các ban của HĐND, chúng ta sẽ chọn lựa ra những người xứng đáng và chính họ sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh.

Các Ban của HĐND làm việc theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thường trực và HĐND tỉnh về công việc được giao. Vấn đề này đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW là “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Mỗi ban gồm 1 trưởng ban, 1 phó trưởng ban làm nhiệm vụ trực để giải quyết các công việc thường nhật của ban; còn lại là các ủy viên; phụ cấp của ủy viên bằng phụ cấp của ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Thực tế cho thấy, nên quy định số lượng ủy viên của ban tùy vào từng ban, ví như: Ban Kinh tế - Ngân sách là 3; Ban Pháp chế và Ban Văn hóa - Xã hội, mỗi ban 2; Ban Dân tộc 1 ủy viên. Biên chế của số lượng ủy viên này lấy từ biên chế của văn phòng sẽ bảo đảm đúng Nghị quyết số 18-NQ/TW là không tăng biên chế. Khi đó, văn phòng không còn trách nhiệm phải tham gia ngay từ đầu công việc của các ban ắt công việc triển khai nhanh chóng hơn, vì bớt tầng nấc trung gian.

Những suy nghĩ, những ý tưởng có lẽ còn có điểm chưa phù hợp, nhưng giải quyết hài hòa giữa việc tăng đại biểu HĐND chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh mà không tăng biên chế đang cần sự quan tâm đầy đủ, kịp thời của cơ quan có thẩm quyền nhằm từng bước thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII), từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/