Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh: Là cơ quan hành chính có vị trí độc lập

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh: Là cơ quan hành chính có vị trí độc lập

Bên cạnh bảo đảm nguyên tắc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc xây dựng tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh cũng cần phải phù hợp và gắn với tính chất đặc thù của HĐND. Cần xác định rõ bộ máy giúp việc của HĐND có vị trí độc lập, là cơ quan tham mưu, phục vụ cho HĐND nhưng cũng đồng thời là cơ quan hành chính nhà nước.

Phù hợp với định hướng, đường lối của Đảng

Để giúp cho Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ, bộ máy giúp việc của HĐND phải chuyên nghiệp, mạnh về chuyên môn, vững về chính trị. Muốn vậy, mô hình tổ chức của cơ quan này cần được đổi và phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với các chủ trương của Đảng. Nguyên tắc này thể hiện dưới hai góc độ: (1) Quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc của HĐND phải phù hợp với định hướng của Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và vai trò của cơ quan giúp việc, (2) Hoạt động của cơ quan giúp việc của HĐND tuân thủ đúng định hướng của Đảng trong công tác tham mưu, phục vụ HĐND.

Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xác định xây dựng bộ máy “bảo đảm bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ” và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là định hướng việc đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực cơ quan giúp việc cơ quan dân cử nói chung và HĐND cấp tỉnh nói riêng.

Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác quy hoạch đội ngũ công chức của cơ quan giúp việc HĐND, bảo đảm sự gắn kết giữa các khâu từ nhận xét, đánh giá công chức, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng công chức, góp phần bảo đảm đội ngũ công chức, phục vụ tốt hơn nữa các mặt hoạt động của HĐND. Nhiệm vụ này cần được xác định là một trong những điều kiện bảo đảm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Phù hợp với đặc điểm của HĐND

Xuất phát từ tính chất đặc thù của HĐND nên hoạt động của bộ máy tham mưu, phục vụ của HĐND cũng khác so với hoạt động của các cơ quan khác từ tổ chức cho đến cơ chế hoạt động. Lĩnh vực tham mưu, phục vụ của bộ máy giúp việc HĐND khác với lĩnh vực của các cơ quan khác vì phạm vi rộng và bao trùm tất cả các lĩnh vực của địa phương. Đối tượng tham mưu, giúp việc rộng, trong khi đó số lượng công chức, chuyên viên lại hạn chế nên không bảo đảm được yêu cầu công việc. Trong thời điểm diễn ra kỳ họp của HĐND, hoặc diễn ra các đợt giám sát, công việc phục vụ chiếm tỷ lệ lớn, bao gồm cả việc tìm hiểu và cung cấp tài liệu, ghi biên bản nên công chức giúp việc ít có thời gian dành cho công tác nghiên cứu, tham mưu cho HĐND đưa ra những kết luận, chính sách tối ưu nhất.

Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của bộ máy giúp việc HĐND thì mô hình tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ cũng phải phù hợp và gắn với tính chất đặc thù tổ chức, hoạt động của HĐND.

Cơ quan giúp việc đồng thời là cơ quan hành chính

Xác định vị trí pháp lý của cơ quan giúp việc của HĐND là yêu cầu cần thiết để từ đó xác định được chế độ làm việc và mối quan hệ giữa cơ quan giúp việc của HĐND với các cơ quan hữu quan, tạo thuận lợi trong xây dựng mối quan hệ công tác giữa cơ quan giúp việc của HĐND với các cơ quan ở Trung ương và địa phương.

Gắn kết với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị

Bộ máy giúp việc của HĐND muốn tham mưu, phục vụ HĐND hiệu quả phải có sự gắn kết rất chặt với các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Bởi, HĐND không thể tự thân thực hiện các quyền đó mà không tính đến các chủ thể khác. Chính vì vậy, quá trình tham mưu, phục vụ, bộ máy giúp việc của HĐND phải thường xuyên gắn kết, giữ mối quan hệ với các cơ quan hữu quan. Mối quan hệ này được thực hiện với cấp trên, đồng cấp và cấp dưới trong hầu hết các lĩnh vực và phạm vi hoạt động.

Để bộ máy giúp việc của HĐND hoạt động hiệu quả, có nền nếp phải bảo đảm nguyên tắc hành chính. Mọi hoạt động của công chức, người lao động của bộ máy giúp việc đều đặt dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng phụ trách. Để phục vụ tốt chương trình công tác của Thường trực HĐND, người chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy giúp việc của HĐND có trách nhiệm huy động nguồn lực, biện pháp bảo đảm yêu cầu của Thường trực, các Ban của HĐND. Đồng thời, có sự linh động nhất định trong chỉ đạo về chuyên môn giữa Chủ tịch, Phó Chủ tịch, lãnh đạo các Ban của HĐND với chuyên viên trực tiếp phục vụ cho Thường trực, các Ban của HĐND. Cần xác định rõ bộ máy giúp việc của HĐND có vị trí độc lập, là cơ quan tham mưu, phục vụ cho HĐND nhưng cũng đồng thời là cơ quan hành chính nhà nước. Để từ đó khẳng định mối quan hệ thứ bậc hành chính trên dưới giữa các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước theo một chỉnh thể thống nhất.

Mở rộng khái niệm cơ quan giúp việc của HĐND

Hiện nay, khi nói về cơ quan giúp việc của HĐND, thường hay nghĩ đến trên cơ sở luật thực định được hiểu là một tổ chức, cá nhân được phân công giúp việc cho HĐND, các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND. Tư duy về cơ quan giúp việc của HĐND chỉ đơn thuần là một bộ máy gồm các công chức, chuyên viên (không phải là đại biểu HĐND) được giao nhiệm vụ tham mưu, phục vụ cho HĐND cần được thay đổi. Với xu hướng tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách và tăng cường các tổ chức của HĐND nhưng số lượng, cơ cấu tổ chức của cơ quan giúp việc không được tăng cường, thậm chí bị thu gọn lại thì các đại biểu HĐND, các thành viên của các Ban HĐND cần được hiểu đều là các chủ thể, cá nhân có nhiệm vụ giúp việc cho HĐND. Thực hiện yêu cầu đó, mỗi đại biểu HĐND cần chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình để không có tâm lý dựa vào sự tham mưu, phục vụ của công chức giúp việc như theo khái niệm “bộ máy giúp việc” như Điều 127 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân