Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Phải đúng tinh thần lực lượng quần chúng tự nguyện

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Phải đúng tinh thần lực lượng quần chúng tự nguyện

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện và tham gia phối hợp. Do đó, cần xác định rõ hơn vị trí của lực lượng này để làm căn cứ xác định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bố trí lực lượng và xác định tên gọi của cá nhân tham gia lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đánh giá kỹ các mô hình tự quản

Theo dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Bộ Công an trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 11.9, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật gồm 3 lực lượng: Bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, ở các địa bàn cơ sở đang tồn tại nhiều mô hình tự quản cũng tham gia vào hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ví dụ như Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; Hiệp sĩ đường phố… Vì vậy, nếu quy định 3 lực lượng như dự thảo Luật thì những mô hình tự quản khác có tiếp tục duy trì hay không? Nếu duy trì thì chế độ pháp lý của các mô hình này như thế nào? Mối quan hệ của những mô hình tự quản này với những lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an toàn ở cơ sở được điều chỉnh trong dự thảo Luật ra sao? Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, những mô hình tự quản và tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cần được tổng kết, đánh giá chung khi xây dựng dự án Luật để đề xuất giải pháp mang tính tổng thể nhằm bố trí lại lực lượng theo hướng bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cần làm rõ khi Luật được ban hành thì có duy trì các mô hình tự quản khác trong bảo vệ an ninh, trật tự hay không. Khi lực lượng này ra đời thì phong trào tự quản, vai trò của người dân trong bảo vệ an ninh, trật tự sẽ như thế nào? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị thêm, nếu như ban hành luật này thì phải đặt trong mối liên hệ với những tổ chức tự quản đã hình thành, nếu thấy cần thiết thì phải đưa vào sắp xếp là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn ở cơ sở. Như vậy mới đạt được mục tiêu và tên gọi của dự án Luật là bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bám sát tinh thần lực lượng quần chúng tự nguyện

Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật xác định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn, tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã; có chức năng tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự.

Cơ bản thống nhất với quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như dự thảo Luật, nhưng Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Ban soạn thảo cần xác định rõ hơn vị trí, địa vị pháp lý của lực lượng này để phù hợp với quan điểm của Đảng về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời, xác định rõ hơn vị trí của lực lượng này để làm căn cứ xác định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bố trí lực lượng và xác định tên gọi của cá nhân tham gia lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở theo tinh thần là lực lượng quần chúng tự nguyện.

Gợi mở vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một lực lượng quần chúng tự nguyện, về bản chất là một mô hình tự quản của quần chúng ở cơ sở. Lực lượng này sẽ hỗ trợ cho lực lượng công an chính quy để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật hay gây rối, làm mất trật tự an ninh, an toàn ở cơ sở. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, phải nắm chắc và bám sát tinh thần lực lượng quần chúng tự nguyện, thực hiện tự quản quần chúng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; phải làm rõ hơn tính chất, phạm vi, chức năng của lực lượng này trong việc tham gia phối hợp với lực lượng công an.

Khẳng định nguyên tắc cơ bản khi xây dựng dự án Luật này là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện và tham gia phối hợp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, các nội dung của dự thảo Luật phải bám sát mục đích, không nên tạo ra một lực lượng mới làm thay hoặc đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an và của chính quyền địa phương.

Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân