Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Cần tuân thủ quy trình xây dựng văn bản

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Cần tuân thủ quy trình xây dựng văn bản

Mặc dù không quy định trực tiếp về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã có nhiều quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung và văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương nói riêng. Nếu không tuân thủ một cách nghiêm túc thì hoàn toàn có thể xảy ra khả năng "cài cắm” chính sách, tạo ra các quy định pháp luật không rõ ràng, thiếu đồng bộ, thống nhất, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn.

“Cài cắm lợi ích” có thể diễn ra ở các giai đoạn

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020) dành 4 chương, 35 điều để quy định riêng về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương. Trong đó, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ban hành để quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (Khoản 4, Điều 27) là loại văn bản quy phạm pháp luật phải xây dựng, ban hành theo quy trình đầy đủ nhất. Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Võ Văn Tuyển, điều đáng quan tâm là việc “cài cắm” chính sách để mang lại lợi ích riêng cho các nhóm có thể xảy ra ở tất cả giai đoạn: Giai đoạn lập đề nghị xây dựng nghị quyết - giai đoạn soạn thảo - giai đoạn thẩm định, thẩm tra - giai đoạn thảo luận, xem xét thông qua.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã cảnh cáo về việc cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật

Đơn cử, trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng nghị quyết, cơ quan đề nghị, tự mình hoặc do tác động của nhóm lợi ích từ bên ngoài, có thể đề xuất ban hành nghị quyết trong đó đưa ra các chính sách tăng thẩm quyền, lợi thế về biên chế, kinh phí cho cơ quan mình hoặc chính sách làm giảm nhẹ trách nhiệm cho cơ quan mình, tạo ra cơ chế xin - cho trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; duy trì các chức năng chồng chéo giữa nhiều cơ quan để dễ bề trục lợi nhưng lại không phải chịu trách nhiệm (ví dụ như nhiệm vụ quản lý phân bón, vệ sinh, an toàn thực phẩm được giao cho nhiều ngành cùng thực hiện dẫn đến tình trạng không rõ trách nhiệm khi xảy ra vi phạm).

Hay, trong giai đoạn soạn thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo, vì lợi ích cục bộ của cơ quan mình hoặc dưới tác động của các nhóm lợi ích từ bên ngoài, có thể cố tình đưa các quy định cấm vào dự thảo như đưa quy định về tổ chức, bộ máy, biên chế vào văn bản không chuyên ngành, trái với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoặc, tạo ra các quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể bằng cách sử dụng các từ ngữ, cách diễn đạt khó hiểu, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau hoặc không định nghĩa những khái niệm quan trọng. Ví dụ Luật Đất đai mới chỉ có định nghĩa về “hệ thống thông tin đất đai” mà chưa có giải thích về “thông tin đất đai”, điều này có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau về thông tin đất đai trên cả phương diện quản lý nhà nước cũng như trong việc tạo sự minh bạch, thuận lợi của người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin đất đai.

Theo quy định, Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp huyện phải được Ban của Hội đồng Nhân dân cùng cấp thẩm tra trước khi trình Hội đồng Nhân dân. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân có trách nhiệm gửi dự thảo nghị quyết đến Ban của Hội đồng Nhân dân được phân công thẩm tra. Hồ sơ, nội dung thẩm tra và báo cáo thẩm tra theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4, Điều 124 của Luật này.

Xác định các khâu dễ bị “lợi dụng”

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đã thiết kế quy trình chặt chẽ, khoa học, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương nói riêng. Do đó, theo đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, cần xác định các khâu trong quy trình xây dựng pháp luật ở địa phương dễ bị “lợi dụng” để tạo ra cơ hội cho tham nhũng, lợi ích nhóm về sau. Cần nắm thật chắc các quy định của luật, nghị định liên quan đến quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh vì loại nghị quyết này đưa ra các chính sách mới đặc thù áp dụng trên địa bàn của toàn tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không yêu cầu phải thành lập Ban soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương nói chung, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên với những nghị quyết có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc có tác động lớn tới người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì vẫn nên thành lập Ban hoặc Tổ soạn thảo nghị quyết. Điều này rất hữu ích vì một mặt nhằm huy động trí tuệ tập thể để xây dựng một dự thảo nghị quyết có chất lượng, một mặt bảo đảm khách quan, kiềm chế việc duy ý chí của cơ quan chủ trì soạn thảo, bảo đảm thống nhất lợi ích tổng thể và hài hòa của toàn xã hội. Đồng thời tăng cường áp dụng hình thức thẩm định bằng Hội đồng tư vấn thẩm định, cuộc họp tư vấn thẩm định nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai, khách quan.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cần được Bộ Tư pháp quan tâm đó là thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật ở các địa phương kiến thức cơ bản về tham nhũng, lợi ích nhóm, hậu quả của tham nhũng và lợi ích nhóm; phương pháp, kỹ năng nhận diện, cách phòng ngừa trong quá trình lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra đề nghị xây dựng và dự tthảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương để không vô tình hay hữu ý tiếp tay cho tham nhũng và lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng pháp luật.

(Nguồn: daibieunhandan.vn)