Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Tân Bộ trưởng nông nghiệp: Phải hướng tới tư duy làm kinh tế

Trang chủ Hoạt động của đại biểu

Tân Bộ trưởng nông nghiệp: Phải hướng tới tư duy làm kinh tế

“Cần thay đổi và định hình tư duy nông nghiệp là ngành kinh tế chứ không đơn thuần chỉ là ngành sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt” - tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

“Chúng ta hay nói mình đứng nhất thế giới trong lĩnh vực ngành hàng nào đó. Thế nhưng cái nhất thế giới đó nhiều khi chỉ là sản lượng đứng nhất chứ chưa tính toán được thực sự giá trị gia tăng của mình…”.

Chia sẻ với báo chí vào chiều 14-4, tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh như trên.

Quan trọng nhất là nâng cao đời sống nông dân

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong nghị quyết của Đại hội 13 vừa rồi có định hướng phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Với tư cách là lãnh đạo của ngành nông nghiệp, theo ông, khái niệm này tác động thế nào đến đời sống kinh tế nông thôn?


Tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Phải tư duy lại, trước tiên chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế, biết tính toán”.
Ảnh: AN HIỀN

+ Ông Lê Minh Hoan: Chúng ta hiểu rằng xây dựng nông thôn mới không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, đường, trường, trạm mà mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.

Người dân nông thôn là một tế bào trong cơ cấu tổng thể của ngành nông nghiệp. Nếu phát triển được kinh tế nông thôn thì sẽ tạo ra được vật chất giúp xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Khi đó, người nông dân sẽ thực hiện đúng vai trò là trung tâm, chủ thể trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

. Nhiều ý kiến cho rằng muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn thì cần những tập đoàn lớn, hay còn ví von là “đại bàng”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

+ Xưa giờ chúng ta nói kinh tế nông nghiệp thì đa phần là nghĩ về các tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn để dẫn dắt cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Song thực tế cho thấy khi đi được một đoạn đường thì thấy rằng số lượng doanh nghiệp nông nghiệp sẽ không đủ phủ kín bức tranh nông nghiệp của chúng ta.

Bây giờ chúng ta có khoảng 20.000 doanh nghiệp nông nghiệp, trong khi có vài chục triệu hộ nông dân. Những hộ nông dân đó vừa là người sản xuất nông nghiệp, vừa là các loại hình mang tính chất kinh tế tập thể như hợp tác xã, hoặc khởi nghiệp dưới dạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Tập hợp những mô hình đó lại chính là kinh tế nông thôn.

Kinh tế nông thôn như hệ sinh thái để làm chất kích thích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; tạo nên sự liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến, những công đoạn cùng tham gia giữa các doanh nghiệp để thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Đồng hành từ trong suy nghĩ, trăn trở của nông dân

. Bộ trưởng vừa chia sẻ con chim sẻ nhỏ hơn con đại bàng nhưng số lượng lại lớn tương đương con đại bàng, chúng ta cần phải đồng hành với họ. Vậy chúng ta sẽ đồng hành với họ như thế nào?

+ Chúng ta đồng hành từ suy nghĩ của họ. Ví dụ, bây giờ mình đề nghị người nông dân đừng bán trái xoài tươi nữa mà làm nước ép, mứt, sấy dẻo... thì người nông dân hỏi bắt đầu từ đâu, ai giúp tôi công nghệ, vốn đâu tôi làm? Nếu được Nhà nước hỗ trợ, người nông dân lại hỏi tôi bán trái xoài quen rồi, thương lái quen rồi nhưng giờ qua sản phẩm chế biến thì bán ở đâu?

Từ khi làm lãnh đạo tỉnh, tôi luôn nắm bắt suy nghĩ của người nông dân. Chúng ta phải đồng hành, là người dẫn dắt, làm sao để người nông dân thấy rằng mỗi câu hỏi nào của họ thì người lãnh đạo đều hiểu và trả lời được.

Chúng ta không dùng từ đồng hành chung chung, đi kế bên mà chúng ta đồng hành từ trong suy nghĩ, trăn trở của người nông dân. Bởi vì mọi thay đổi đều khó khăn lắm. Đã vượt qua được tâm lý rồi nhưng để vượt qua sự kiên trì, nhẫn nại đó là cả hành trình.

Nhất là khi chúng ta càng gia nhập sâu vào thế giới, độ mở lớn thì nền kinh tế càng dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải luôn luôn linh hoạt, vận động, tìm ra giải pháp để vừa chống chịu, vừa đứng vững chứ không phải chỉ đặt ra một kế hoạch với những con số đơn thuần.

Giá trị gia tăng của nông sản, thủy sản có sự đóng góp lớn của công nghệ chế biến. Ảnh: QH

Phải thay đổi quan điểm

Như Bộ trưởng vừa chia sẻ thì rõ ràng việc phát triển kinh tế nông thôn không chỉ đơn thuần là những người nông dân mà còn bao gồm cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã. Vậy theo Bộ trưởng, để phát triển kinh tế nông thôn thì lộ trình thực hiện thời gian tới sẽ như thế nào?

+ Chúng ta phải xem lại những cái gì đang cản trở kinh tế nông thôn phát triển để có giải pháp khắc phục. Đầu tiên nói về quan điểm. Có thời gian chúng ta chỉ chú trọng tới những doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp, điều đó cũng quan trọng và cần thiết nhưng có đôi lúc chúng ta cũng thiếu mặn mà với doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi mỗi cái đều có vai trò như nhau. Trong một hệ sinh thái, cây cổ thụ muốn đứng vững giữa phong ba bão táp thì cần cả hệ sinh thái như mảng thực vật dưới chân, cây tầm gửi, cây tầng thấp...

Chúng ta quên rằng trong thiên nhiên, con chim sẻ nhỏ hơn con đại bàng nhưng vô từ điển xem thì con chim sẻ chiếm 50% trong tổng số những loài chim biết bay. Nhỏ nhưng số lượng lớn, cộng lại nó bằng như con đại bàng. Nếu biết cách tập hợp lại, khơi dậy động lực phát triển ở khối này thì chim sẻ có khi còn mạnh mẽ hơn đại bàng rất nhiều.

Vậy nên trước tiên chúng ta phải thống nhất lại vai trò của kinh tế nông thôn, trong đó còn những mô hình mà chúng ta còn ít chú trọng, ít chăm lo. Khi đã thống nhất quan điểm thì cần xem xét cái gì đang cản trở kinh tế nông thôn phát triển.

Đơn cử như với mô hình hợp tác xã. Hợp tác xã đã đóng góp một phần trong chuỗi liên kết, tức là đứng ra liên kết kinh tế hộ để thu mua nông sản đưa ra thị trường thông qua các doanh nghiệp, thương lái. Tuy nhiên, đó chưa phải là bản chất, mô hình đầy đủ của hợp tác xã.

Cái thế giới hướng tới khi vận hành hợp tác xã là không chỉ đóng vai trò trung gian mà phải tham gia vào chuỗi giá trị của một ngành, một vùng nông sản. Tức là từ chuỗi liên kết tạo thành chuỗi giá trị. Chuỗi liên kết là với nông sản đó hợp tác xã liên kết, bao tiêu, đưa ra thị trường.

Còn chuỗi giá trị thì vẫn nông sản đó nhưng được phân loại, sơ chế, chế biến thành những sản phẩm đa dạng, tạo ra giá trị gia tăng, tạo thành một chuỗi ngành hàng, tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn. Đó chính là kinh tế nông thôn.

. Nghĩa là thay đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp phải bắt đầu từ chính những người lãnh đạo?

+ Đúng vậy. Ngày xưa chúng ta lấy mục tiêu là năng suất, lấy sản lượng làm phấn đấu thì tất cả các cấp, ban, ngành đều làm sao năng suất cây trồng cao hơn, sản lượng chăn nuôi nhiều hơn nhưng lại không để ý chi phí bỏ ra bao nhiêu. Chúng ta không đề cập tới chi phí thì chúng ta không phải là người làm kinh tế.

Nhiều khi tôi bán 10 đồng nhưng chi phí hết 9 đồng, tôi chỉ lời 1 đồng. Nhưng nhiều khi tôi bán 8 đồng thôi, chi phí bỏ ra có 6 đồng thì tôi vẫn lời 2 đồng. Khi chúng ta đi theo số lượng thì không tính toán được hết chi phí này.

Đến giờ khi chuyển qua kinh tế thì chúng ta phải tính cả hai đầu, là làm sao bán được ở giá cao nhất và làm sao chi phí sản xuất ở mức thấp nhất. Có thể nó không thể hiện bằng số lượng, sản lượng. Hay nói mình đứng nhất thế giới trong lĩnh vực ngành hàng nào đó, thế nhưng cái nhất thế giới đó nhiều khi chỉ là sản lượng đứng nhất chứ chưa tính toán được thực sự giá trị gia tăng của mình ở nhất thế giới đó chưa.

Như vậy, tất cả người bạn đồng hành của nông dân trong đó có ngành nông nghiệp phải tư duy lại. Trước tiên, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, biết tính toán. Ví dụ câu chuyện giải cứu nông sản là quy luật hàng hóa, quy luật cung cầu. Để giải quyết câu chuyện này phải thay đổi, đừng xem nông nghiệp đơn thuần là ngành nông nghiệp, kỹ thuật trồng trọt mà phải xem nông nghiệp là ngành kinh tế. Trong đó bao gồm năng suất, chất lượng, bài toán về chi phí, thị trường, chế biến, phân phối..

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

(Nguồn: plo.vn)