Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn!

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn!

Báo chí cách mạng phải chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, đủ sức mạnh, bản lĩnh để bảo vệ chế độ dân tộc! 96 năm qua, các thế hệ làm báo Việt Nam đều một lòng hướng đến mục tiêu cao cả ấy. Sứ mệnh đặt lên vai người làm báo rất lớn. Đảng, Nhà nước luôn dành cho báo chí sự quan tâm đặc biệt để báo chí làm tròn trọng trách của mình.  

Mới thấy vai trò của báo chí, thông tin trong cuộc sống hiện đại là không thể thiếu. Đất nước gần trăm triệu dân thì có tới 96,9% sở hữu điện thoại thông minh, 68,72 triệu người sử dụng internet, chiếm 73,7% dân số (theo We are social và Hootsuite, tháng 1.2021 - BTV). Mạng 4G, 5G đang mở rộng. Tivi, radio phủ sóng khắp các gia đình từ đô thị đến các vùng quê… Sứ mệnh của báo chí trong dòng chảy thời đại cũng vì thế mà không hề nhỏ.

Áp lực cạnh tranh thông tin rất lớn đòi hỏi báo chí phải nhanh nhạy. Báo chí chính thống đang như bị bủa vây trước những thông tin mạng xã hội đúng sai nhiễu loạn khó kiểm chứng ngay. Rõ ràng báo chí không thể chạy theo mạng xã hội. Chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn là mục tiêu tối thượng mà các tòa soạn và từng nhà báo hướng tới trong quá trình tác nghiệp, cũng là cách để báo chí chính thống thể hiện bản lĩnh và tính định hướng của mình.

Trách nhiệm xã hội của báo chí, đạo đức của người làm báo chính là sự trung thực trước mỗi thông tin, mỗi sự kiện, mỗi câu chuyện “tung ra” cho công chúng. Thông tin không thể hồ đồ. Nói “góc nhìn” càng không thể nhìn theo một chiều. Bàn luận, bình luận phải thể hiện phông văn hóa của người làm báo. Phải đặt mình vào người trong cuộc mới có thể phân tích, mổ xẻ những vấn đề nóng từ cuộc sống đặt ra một cách thuyết phục.

Cả nước có hơn 800 cơ quan báo in và báo điện tử (tính đến tháng 8.2020 - BTV), chưa kể hơn 70 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh và truyền hình. Nhưng nhìn toàn cục, rõ ràng là chưa có nhiều tờ báo nổi trội, có thương hiệu với người đọc. Cũng chưa có nhiều cây bút nổi danh trong số hơn 2 vạn nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Vì thế, đã đến lúc phải tính đến xây dựng những tờ báo có thương hiệu, đào tạo ra những cây bút sắc sảo, thì mới có thể chinh phục được người đọc ngày càng khó tính.

Báo chí là một nghề nghiệt ngã, thậm chí nguy hiểm. Nghiệp báo chí ai theo đuổi cũng “đẫm mồ hôi, sôi nước mắt”, dứt khoát phải có lòng đam mê và một chút tài năng. Rất mừng nhiều tòa soạn đã xây dựng cách làm báo chuyên nghiệp và hiện đại. Mừng hơn, là nhiều cây bút đã dày công, bền bỉ tạo cho mình một phong cách làm báo chuyên nghiệp, bước đầu ghi dấu ấn với những tác phẩm báo chí được người đọc đánh giá cao. Nhưng báo chí đang đứng trước những thách thức lớn. Ngoài áp lực cạnh tranh thông tin như đã nói ở trên, còn có thách thức về nguồn lực tài chính để “nuôi” tòa soạn vận hành và đội quân làm báo khi thực hiện tự chủ.

Để gỡ khó cho báo chí trong cạnh tranh thông tin, các bộ, ngành, chính quyền các cấp phải đổi mới cách phát ngôn, quyền phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời. Không thể báo chí đề nghị gặp thì cáo bận, đi vắng. Càng không thể “ngâm”, giấu thông tin. Bản thân những người làm báo cũng phải soi lại mình, cần năng động trong tác nghiệp, nâng cao tính chuyên nghiệp trong nắm bắt và thẩm định thông tin.

Báo chí sẽ sống bằng nguồn nào khi đi vào tự chủ đang là câu hỏi lớn. Công nghệ số phát triển, báo in giảm mạnh số lượng phát hành, báo điện tử sẽ dần thay thế. Giới báo chí đã tính đến thu phí từ người đọc như nhiều tờ báo trên thế giới làm thành công. Ai cũng biết thu phí người đọc báo là đúng, nhưng hành lang pháp lý thế nào, phương thức, cơ chế thu phí ra sao là vấn đề không đơn giản. Nhưng điều cần đi trước, làm trước, lo trước, chính là nâng cao chất lượng tin bài. Những bài báo hay dù khen hay chê phải thấm đẫm chất nhân văn, chất chứa tình người, đạo đức của người cầm bút ngay ở câu chữ mà nhà báo viết ra.

(Nguồn: daibieunhandan.vn)