Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Những ngày thần tốc dập dịch ở Đồng Tháp

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Những ngày thần tốc dập dịch ở Đồng Tháp

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đồng Tháp diễn biến phức tạp, khó lường, suốt nhiều ngày qua, tỉnh tập trung cao độ trong phòng, chống dịch. Bất kể ngày đêm, cả hệ thống chính trị ở mảnh đất sen hồng cùng vào cuộc với mục tiêu cao nhất là khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đi kiểm tra nơi ở của công nhân bên trong một nhà máy.

Quyết liệt, thần tốc

Mùa mưa, lại còn ngay thời điểm dịch bệnh có số ca nhiễm cao, người dân hạn chế ra đường, càng khiến khung cảnh ở Đồng Tháp vắng lặng hơn. Thế nhưng, phía sau sự trầm lắng ấy là cả những bước chân ngày đêm không mỏi mệt, những hành động chỉ đạo quyết liệt của từng đồng chí từ tỉnh đến cơ sở.

Dịch bệnh Covid-19 ở Đồng Tháp khởi phát nhanh từ khi có ca bệnh đầu tiên ở Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, sau đó xuất hiện nhiều ca trong cộng đồng, phát tán trong các nhà máy, xí nghiệp.

Đến sáng 31/7, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 3.018 ca nhiễm Covid-19, với 44 trường hợp tử vong. Có 62 khu vực ấp, khóm đã phong tỏa do có liên quan đến trường hợp mắc Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở Đồng Tháp, ngay khi bế mạc Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã tức tốc trở về tỉnh và tổ chức cuộc họp khẩn giữa thường trực Tỉnh ủy với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Đồng Tháp ngay trong đêm.

Sau buổi ấy, mỗi ngày, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh “mục sở thị” các huyện, thành phố, rồi len lỏi vào các khu cụm dân cư, bệnh viện dã chiến… Có nhiều chuyến kiểm tra đến tận khuya mới về đến nhà.

Những chuyến đi như thế, mới phát hiện thêm vẫn còn nhiều địa phương còn lúng túng trong dập dịch, trong việc nắm số liệu, nắm thông tin ở ấp, ở xã mình. Chẳng hạn như ngay sau khi phát hiện chùm ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại huyện biên giới Tân Hồng với hơn chục ca nhiễm ngoài cộng đồng, Bí thư Tỉnh ủy đã đến huyện kiểm tra công tác phòng, chống dịch.

Tại buổi làm việc, khi hỏi từng số liệu, thông tin địa bàn dân cư, mới thấy một số ấp, xã, thậm chí một số ngành của huyện không nắm được những thông tin cơ bản trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Kết thúc buổi làm việc ấy, đồng chí Lê Quốc Phong chỉ đạo ngay: “Việc nắm địa bàn là phải nắm thật chắc, vì không nắm số liệu, thông tin địa bàn dân cư thì không thể huy động nguồn lực chính xác, cuối cùng sẽ dẫn đến bị động. Đề nghị Tân Hồng nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát địa bàn”, đồng thời, yêu cầu huyện phải thực hiện ngay việc phong tỏa tại khu vực phát hiện ca nhiễm. Vì còn để dây dưa sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, công tác dập dịch sẽ vô cùng khó khăn.

Từ ngày Đồng Tháp thực hiện Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh, đến nay đã hơn nửa tháng. Ngần ấy thời gian, các ngành, các cấp trong tỉnh tất bật với công tác kiểm tra, chỉ đạo điều hành.

Đó là cuộc họp giao ban trực tuyến hằng ngày giữa Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh với huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ 17 giờ đến tối.

Trong ngày thứ ba tham gia cuộc họp, nhận thấy lãnh đạo cấp ủy ở một số huyện không tham dự, thậm chí không báo lý do vắng họp, lúc này đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng đang họp trực tuyến tại điểm cầu huyện Thanh Bình (do đồng chí đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại huyện và ở lại họp) đã phê bình đích danh địa phương và người đứng đầu cấp ủy.

Không những thế, có đồng chí Chủ tịch UBND huyện đề nghị tổ chức họp sớm, vì “Họp trễ quá sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của anh em ở huyện”. Khi nghe lời “than phiền” này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã chấn chỉnh ngay và nói: “Chống dịch như chống giặc, dịch bệnh tỉnh mình đang rất phức tạp. Tôi đề nghị địa phương không nề hà, không ngán ngại khó khăn. Tình hình dịch bệnh căng thẳng, họp có trễ, có tối nhưng để nắm và đưa ra nhiều giải pháp cấp bách, do đó dù có họp lúc một, hai giờ khuya thì cũng phải họp”.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Đồng Tháp mấy ngày qua cho thấy tỉnh này luôn có những chỉ đạo kiên quyết, đúng trọng tâm.

Khi mà dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngay việc áp dụng ba tại chỗ trong doanh nghiệp (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ). Đặc biệt, khi Đồng Tháp bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 thì tỉnh cho kích hoạt áp dụng ngay ba tại chỗ.

Nhiều ngày liên tiếp, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các huyện, thành phố và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại mỗi nơi đến, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều thể hiện rõ quyết tâm, sự quyết liệt trong phòng, chống dịch và luôn "truyền lửa", cũng như thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của địa phương, doanh nghiệp trong công tác này.

Nếu doanh nghiệp thực hiện ba tại chỗ không nghiêm thì dẫn đến xảy ra nhiều ca lây nhiễm Covid-19 và rất khó kiểm soát, dập dịch. Do đó, trước việc chỉ đạo nghiêm, đến nay Đồng Tháp có 58 doanh nghiệp (doanh nghiệp từ 100 công nhân) với 13.385 lao động và 54 doanh nghiệp (dưới 100 công nhân) đang hoạt động theo nguyên tắc ba tại chỗ. Đồng thời, có 323 doanh nghiệp lớn nhỏ phải ngưng hoạt động do không áp dụng được ba tại chỗ.

“Tôi yêu cầu ba tại chỗ là trong sản xuất tuyệt đối không thể có sự tự do đi lại bên ngoài. Đề nghị tất cả doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục sản xuất thì phải bảo đảm được ba tại chỗ. Một khi đã áp dụng ba tại chỗ thì phải làm nghiêm khắc, chặt chẽ. Chúng tôi kiên quyết những doanh nghiệp nào không đáp ứng được thì tạm đóng của”, đồng chí Lê Quốc Phong khẳng định.

Để quản lý chặt việc thực hiện ba tại chỗ trong doanh nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương phải gắn camera giám sát, lập chốt kiểm tra trước cổng doanh nghiệp. Và cho rằng nếu không làm nghiêm là trách nhiệm của chính quyền địa phương không có sự quan tâm, giám sát chặt việc doanh nghiệp thực hiện ba tại chỗ.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Đồng Tháp đặt yêu cầu phòng dịch là trên hết. Vì có giữ được việc phòng, chống dịch tốt, giữ được tình hình địa phương ổn định, dịch bệnh được đẩy lùi thì mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, mang lại giá trị mới và tích cực hơn cho hoạt động của tỉnh.

Những chuyển biến tích cực

Thực hiện giãn cách xã hội là điều mà không ai mong muốn. Đối với người dân và các cơ sở kinh doanh sản xuất, việc giãn cách ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, thu nhập của mọi người.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch phức tạp, khó lường ở Đồng Tháp, tỉnh đã quyết định cho giãn cách xã hội trước khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành công văn về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16.

Đường phố vắng khi thành phố Cao Lãnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Những ngày đầu thực hiện giãn cách, nhiều địa phương còn làm chưa nghiêm, chưa quyết liệt. Sau khi nắm tình hình cũng như đi kiểm tra tại các huyện, thành phố, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đã không ít lần chỉ đạo ngay tại cuộc họp giao ban trực tuyến hằng ngày.

“Hôm nay tôi đi trên đường, thấy một số địa phương có tăng cường lực lượng tuần tra. Tuy nhiên đề nghị các đồng chí phải xử lý nghiêm hơn những trường hợp vi phạm Chỉ thị 16. Tôi cũng có dịp đi sâu vào khu dân cư, thấy bà con vẫn chưa thực hiện nghiêm. Đề nghị các đồng chí có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời. Phải siết chặt việc giãn cách, đặc biệt là phải thường xuyên đi tuần tra, nhắc nhở, xử lý trong khu dân cư về việc người giãn cách với người, hộ gia đình giãn cách với hộ gia đình, khu phố giãn cách khu phố”.

Sau những chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, những ngày sau đó, các địa phương đã có những chuyển biến tích cực.

Nhiều địa phương đã tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, tổ chức những chốt chặn và tăng cường nhắc nhở người dân hạn chế ra đường. Nhiều ban ngành đoàn thể cũng thiết lập các kênh để cung cấp các nhu yếu phẩm đến người dân, từ đó cũng đã hạn chế rất nhiều việc người dân lưu thông trên đường.

Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để xảy ra lây nhiễm chùm ca bệnh Covid-19. Trước tình hình này, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các địa phương đã siết chặt quản lý các chợ. Thành phố Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, huyện Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh… đã chỉ đạo thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt các chợ để duy trì hoạt động chợ truyền thống, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân, phải bảo đảm được việc thực hiện tuân thủ công tác phòng, chống dịch.

“UBND thành phố khuyến cáo tùy theo khu vực chợ áp dụng cho phù hợp, chẳng hạn có nhiều chợ không đáp ứng được công tác phòng, chống dịch phải tạm dừng, có những chợ chỉ phục vụ cho cụm dân cư ở địa bàn đó, hoặc có những chợ đáp ứng cho hai, ba phường, xã. Để bảo đảm việc giãn cách, các đơn vị thống nhất với nhau là phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn, lẻ. người mua và người bán phải bảo đảm giãn cách. Các chợ chỉ được mở bán buổi sáng. Đến nay, các chợ thực hiện cơ bản đáp ứng được tình hình dịch hiện nay”, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh Võ Phan Thành Minh cho biết.

Những ngày qua, trước sự vào cuộc nhanh hơn, hiệu quả hơn của các cấp, các ngành trong công tác dập dịch, cho thấy Đồng Tháp đang có sự chuyển biến tích cực. Đối với những ổ dịch lớn, đến nay cơ bản được kiểm soát tốt, trong đó có Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, Xí nghiệp may 6, Agribank Châu Thành… đây là những nơi có số lượng đông về ca nhiễm.

Khi mà dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thì sự chuyển biến tích cực trong công tác dập dịch ở Đồng Tháp đã tạo được nhiều sự quan tâm và cả sự an tâm trong các tầng lớp nhân dân.

Anh Nguyễn Ngọc Hùng, một chủ điểm tham quan du lịch ngụ khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc cho biết: “Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của gia đình. Nhưng trước virus biến thể, lây lang quá nhanh như hiện nay thì mình cũng phải chấp nhận chiến đấu với dịch. Tôi thấy nhiều ngày nay lãnh đạo tỉnh còn lo hơn mình rất nhiều, có những chỉ đạo, kiểm tra quyết liệt bất kể ngày đêm, nắng mưa, ngày nghỉ để dập dịch. Người dân chúng tôi rất yên tâm và luôn đồng hành cùng tỉnh”.

Tập trung xử lý những tình huống mới

Khoảng một tuần nay, số ca nhiễm Covid-19 ở Đồng Tháp mỗi ngày trên dưới 150 ca, thậm chí có ngày vượt 200 ca nhiễm. Tuy nhiên, sở dĩ có những con số này là vì Đồng Tháp đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc cộng đồng diện rộng, do đó số ca nhiễm mới chắc chắn sẽ còn, thậm chí sẽ có những ngày số ca mắc mới cao hơn so với bình thường. Như vậy, số ca nhiều gần đây là do Đồng Tháp đã chủ động xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong dân.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh không chủ quan mà chủ động trong mọi tình huống. Tỉnh đã hoàn chỉnh và sẵn sàng cho kịch bản, phương án đối với trường hợp có hơn 5.000 ca nhiễm Covid-19 và có kịch bản, phương án sẵn sàng cho tình huống diễn biến dịch theo chiều hướng xấu hơn trên địa bàn tỉnh.

Đợt dịch thứ tư này, toàn TP Sa Đéc có số ca mắc cao nhất tỉnh với gần 900 ca, qua xét nghiệm tầm soát, hiện địa phương này liên tiếp phát sinh nhiều ca mắc trong cộng đồng. Do đó, tỉnh Đồng Tháp đang có những giải pháp phù hợp, quyết liệt. Tỉnh cũng đề nghị tăng cường  lực lượng công an, quân sự để hỗ trợ cho Sa Đéc thực hiện tuần tra, kiểm soát.

“Thành phố siết chặt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 16, song song đó là sàn lọc trên diện rộng để tiếp tục phát hiện cho hết được những trường hợp F0 còn trong cộng đồng”, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Nguyễn Văn Hon khẳng định.

Trước tình hình hàng chục ca nhiễm Covid-19 nặng được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Tháp và Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, suốt một tháng nay, nhiều đoàn y, bác sĩ ngoài tỉnh đã tích cực hỗ trợ địa phương trong việc điều trị. Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ riêng Đồng Tháp, nhiều địa phương trong cả nước cũng phải căng mình chống dịch. Do đó thời gian tới, lực lượng y, bác sĩ ngoài tỉnh đang hỗ trợ cho Đồng Tháp, sẽ tham gia hỗ trợ điều trị cho nhiều tỉnh, thành khác.

Để lực lượng ngành y tế tự “đứng trên đôi chân của mình” trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19, những ngày qua, trước đề nghị của lãnh đạo tỉnh, nhiều y, bác sĩ đã đăng ký tham gia lớp tập huấn, đào tạo khẩn về chuyên môn do Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế thực hiện.

Mới đây nhất là lớp tập huấn với sự tham gia của 64 học viên là bác sĩ. Các bác sĩ được tập huấn sử dụng máy thở để điều trị cho bệnh nhân, nâng cao hơn nữa năng lực hồi sức cấp cứu cho các đơn vị y tế trong tỉnh, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Hiện nay các trang thiết bị Bộ Y tế cung cấp về cho Đồng Tháp tương đối đầy đủ. Chúng ta cần sớm đào tạo khẩn lực lượng bác sĩ tại chỗ để có thể sử dụng tốt những trang thiết bị. Tôi nghĩ rằng, nếu như địa phương nỗ lực cho bác sĩ tiếp cận một cách nhanh chóng, tích cực, thì chúng ta có thể bảo đảm được việc điều trị tại địa phương mình, không cần sự hỗ trợ lớn từ T.Ư hay từ các tỉnh bạn”, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cũng đề nghị Sở Y tế và Tiểu ban điều trị nhanh chóng đánh giá năng lực của lực lượng y, bác sĩ tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua được các bác sĩ ở Bộ Y tế hỗ trợ đã đủ sức nắm bắt được hết tất cả điều kiện vận hành, khả năng chuẩn bị xử lý những tình huống cụ thể đã đạt đến mức nào?

“Nếu chưa đáp ứng được hết thì tôi đề nghị tiếp tục tập huấn, nhờ các thầy ở Bộ Y tế hỗ trợ. Ngành y tế của tỉnh phải tự đào tạo nhanh lên và nắm cho chắc về chuyên môn. Trước đây do kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 còn yếu, giờ thì mình có tương đối đủ và cộng thêm được sự hỗ trợ tận tình của các thầy thuốc đến từ Bộ Y tế, thì đây là cơ hội để các y bác sĩ vững chuyên môn trong điều trị bệnh nhân Covid-19”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp dự báo thời gian tới, sẽ có hàng nghìn lao động ngoài tỉnh trở về địa phương tránh dịch. Do đó, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các địa phương thực hiện việc giám sát người ngoài tỉnh khi về địa bàn phải làm thật kỹ; khi về phải tiến hành xét nghiệm, quản lý và phải giám sát chặt chẽ.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Đồng Tháp, bà Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đồng Tháp cho biết: “Qua một tháng, cho tới thời điểm hôm nay, tôi thấy rất yên tâm với công tác phòng chống dịch của tỉnh. Tỉnh đã có những bước tiến về chất cũng như về lượng. Tỉnh đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành ở các mặt công tác điều trị, xét nghiệm, cách ly… với sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy”.

Công tác chống dịch lần này ở Đồng Tháp là chưa có tiền lệ. Với tinh thần quyết liệt, với sự đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 của các cấp, các ngành và bà con nhân dân, đến thời điểm này, tỉnh đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đặc biệt là với các ổ dịch lớn.

Song song đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng kịch bản, phương án kiểm soát tốt hơn, mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp dần “vùng đỏ” để một ngày không xa, tỉnh đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19.

(Nguồn: Báo Nhân dân)