Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Lựa chọn vấn đề ưu tiên trong giám sát

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Lựa chọn vấn đề ưu tiên trong giám sát

Để lựa chọn được nội dung giám sát đúng và trúng, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn là quá trình lựa chọn vấn đề ưu tiên trong giám sát, phải trả lời câu hỏi tại sao chọn nội dung đó. Để xây dựng chương trình, nội dung giám sát đúng trọng tâm, chọn trúng những nội dung nhiều đại biểu và cử tri quan tâm, cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc đa số cử tri quan tâm, nhất là những chương trình, dự án có ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhân dân. Đồng thời, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong chọn nội dung, đối tượng giám sát.

Bảo đảm lựa chọn chính xác, phù hợp nhất

Chia sẻ kinh nghiệm trong giám sát chuyên đề đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh cho biết: Để xác định được giám sát nội dung gì trong rất nhiều nội dung của pháp luật và chính sách dưới luật đang triển khai thực hiện trong ngành giáo dục, tùy thuộc vào tình hình cụ thể từng địa phương, từng giai đoạn và từng năm, song cần xác định rõ có ba vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, giám sát các chính sách được thực hiện trong khoảng thời gian dài, để đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách đó, kết quả đạt được và phát hiện những tồn tại, bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung. Thứ hai, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm, từng giai đoạn để giám sát một chính sách cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều tồn tại, hoặc dư luận chưa đồng tình. Thứ ba là giám sát, khảo sát thường xuyên theo các chuyên đề hoặc một nội dung trong nhiều nội dung của chính sách.

Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh họp triển khai giám sát chuyên đề Việc giải quyết kiến nghị của cử tri và thực hiện nội dung chất vấn gửi đến Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Khóa XVIIẢnh: Xuân Hoa

Trong đó, vấn đề thứ nhất cần căn cứ vào tình hình của từng giai đoạn để quyết định tổ chức giám sát vào năm nào, giai đoạn nào? Còn hai vấn đề sau, việc lựa chọn nội dung giám sát cần được cân nhắc kỹ, bảo đảm sự lựa chọn đó là chính xác, phù hợp nhất cho từng năm và hiệu quả giám sát đạt cao.

Để lựa chọn được vấn đề hoặc nội dung giám sát, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn là quá trình lựa chọn vấn đề ưu tiên trong giám sát, phải trả lời câu hỏi tại sao chọn nội dung đó? Để trả lời được chính xác, chắc chắn phải căn cứ vào thông tin. Do vậy, cần thu thập được thông tin nhiều chiều, thông qua nhiều kênh khác nhau. “Trong các kênh thông tin đó, kênh thông qua TXCT thu thập ý kiến từ phụ huynh học sinh, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên đứng lớp - những “người trong cuộc” khá quan trọng. Một kênh nữa là qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các báo chính thống phản ánh về những mặt tốt cũng như những bất cập của lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại địa phương” - nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh chia sẻ.

Chọn vấn đề trọng tâm, xác định thứ tự ưu tiên

Trên thực tế, phạm vi hoạt động giám sát của HĐND rất rộng, đối tượng đa dạng, việc lựa chọn nội dung giám sát hợp lý có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, yêu cầu đầu tiên đặt ra là phải xây dựng chương trình, nội dung giám sát đúng trọng tâm, xác định thứ tự ưu tiên các vấn đề giám sát. Theo đó, cần lựa chọn những vấn đề nổi cộm, đa số cử tri, Nhân dân quan tâm như: Các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính; việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thu hút đầu tư; chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Cùng với đó, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong chọn nội dung, đối tượng giám sát. Kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 là tích cực phối hợp, đề nghị các đơn vị liên quan góp ý về nội dung dự kiến trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chương trình giám sát; các hoạt động giám sát do các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh hay UBMTTQVN tỉnh tổ chức đều có sự tham gia phối hợp của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh. Một số nội dung giám sát liên quan đến trách nhiệm thực hiện của địa phương đều đề nghị Thường trực, Ban HĐND cấp huyện và Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại địa phương tham gia phối hợp. Ngoài khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, việc duy trì công tác phối hợp đã giúp HĐND tỉnh, các cơ quan thuộc HĐND tỉnh có thêm nhiều thông tin, luận cứ xem xét, đánh giá, phản biện các nội dung trình kỳ họp.

Bên cạnh đó, việc tích hợp các chuyên đề của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh vào 1 đợt để khảo sát, giám sát ở cùng 1 địa phương, tại cùng 1 thời điểm như cách làm của Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực trong giảm thiểu các cuộc làm việc với cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Qua khảo sát, giám sát, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh đã nắm bắt được thực tế những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, địa phương. Từ đó, đã cung cấp được nhiều thông tin sát thực và đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung để Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan kịp thời xem xét, giải quyết, đề ra những giải pháp khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời, hỗ trợ các địa phương, cơ sở thực hiện hiệu quả hơn với từng chuyên đề được giám sát, khảo sát.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)