Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null ĐBQH Phạm Văn Hoà: Bài viết của Chủ tịch Quốc hội càng khẳng định ‘’sức mạnh mềm’’ của văn hóa trong phát triển đất nước

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

ĐBQH Phạm Văn Hoà: Bài viết của Chủ tịch Quốc hội càng khẳng định ‘’sức mạnh mềm’’ của văn hóa trong phát triển đất nước

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, khẳng định sự sâu sắc, tầm quan trọng của văn hoá trong phát triển đất nước… đặc biệt qua bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài viết quan trọng với chủ đề “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững” tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự ra đời của bài viết đặt trong bối cảnh nước ta hiện nay?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi cảm thấy rất ấn tượng với bài viết này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bởi văn hóa chính là hồn cốt, tinh thần và là “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia, dân tộc, nhất là trong thời điểm đất nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sức mạnh này lại càng cần phải được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã nêu lên khá nhiều vụ việc về sự xuống cấp đạo đức, với chiều hướng ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trước tiên là lĩnh vực kinh tế, sự xuống cấp về đạo đức thể hiện rất rõ trong lĩnh vực này qua những đại án hình sự và nhiều vụ án kinh tế đã được pháp luật đưa ra ánh sáng. Bên cạnh đó, đạo đức xã hội xuống cấp còn thể hiện ở những hành vi bạo lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bạo lực gia đình, bạo lực học đường... đến bạo lực nơi công cộng; thói tham lam, ích kỷ, thói vô cảm lan rộng gây nhiều tác hại cho cộng đồng, phản lại thuần phong mỹ tục của dân tộc… Bởi vậy, tôi cho rằng, bài viết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thực sự là một tiếng vang, nhắc nhở chúng ta về một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh phải “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”… hay như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh ngay ở tiêu đề bài viết: “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Phóng viên: Liên quan đến việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, trong bài viết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định văn hóa và pháp luật có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ; văn hóa có ảnh hưởng to lớn đến pháp luật, mặt khác, pháp luật tạo tiền đề, cơ sở sức mạnh để phát triển văn hóa. Theo đại biểu, nội dung này đã thể hiện như thế nào trong các hoạt động xây dựng pháp luật, chính sách của Quốc hội trong thời gian qua?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đúng như những gì mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ra trong bài viết, trong các hoạt động của mình, thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều nỗ lực thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, các quyết sách quan trọng nhằm phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã thấm nhuần trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, đã luôn chú trọng thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết sách quan trọng nhằm phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hiến pháp và các đạo luật mà Quốc hội ban hành đã thiết lập những chế định quan trọng nhất, cơ bản nhất, khẳng định quyền con người, quyền xây đắp và hưởng thụ văn hóa của tất cả công dân Việt Nam; phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển văn hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước; bảo đảm cho người dân được bình đẳng trong sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hoá, được bày tỏ, thể hiện những khát vọng cá nhân chính đáng của mình; được tôn trọng, thừa nhận các phong tục, tập quán, lịch sử, hay sự đa dạng văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, các nội dung cốt lõi, cơ bản về văn hóa đều được kế thừa, thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các văn kiện về văn hóa. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013, các nội dung về văn hóa được quy định toàn diện, phong phú, có nhiều điểm mới, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng về xây dựng nền vãn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, khoa học, tiến bộ. Nhiều văn bản pháp luật đã chế định nội dung xây dựng văn hóa trong chính trị, từng bước làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của hệ thống chính trị.

Tôi cho rằng, văn hóa là món ăn tinh thần của cả dân tộc. Do vậy, những chính sách pháp luật điều chỉnh các hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa mà Quốc hội ban hành có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, và có tác động tới mọi người dân, mọi tầng lớp chính trị, từ trung ương đến cơ sở. Nhiều dự án luật như Luật Giáo dục; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật tín ngưỡng, tôn giáo… và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chuẩn bị được Quốc hội xem xét, thông qua cũng phản ánh tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Ngoài ra, các dự án Luật trong các lĩnh vực khác mà Quốc hội ban hành cũng đều có lồng ghép tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, mọi dự án Luật mà Quốc hội ban hành đều trên cơ sở phù hợp với văn hóa dân tộc, phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Bất cứ dự án Luật nào ra đời cũng cần phải thể hiện, phản ánh được văn hóa chung của dân tộc, nhằm giáo dục cho các thế hệ con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, lối sống hướng đến chân- thiện- mỹ; thúc đẩy đầu tư cho phát triển văn hóa; bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa; hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở; văn hóa học đường; nâng cao đạo đức xã hội; chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ chế chính sách cho văn học, nghệ thuật; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ...

Phóng viên: Trong bài viết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có khẳng định: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, giáo dục, khoa học đối với sự phát triển, tồn vong của đất nước. Những chính sách đúng đắn về giáo dục, khoa học - công nghệ sẽ góp phần nâng cao tầm vóc, vị thế, tiềm lực của đất nước, sánh vai với các cường quốc năm châu, vững bước cùng thời đại. Đại biểu có nhận định gì về quan điểm này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi cho rằng đây là một điểm mới mà trong Hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần này đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Mặc dù, sự quan trọng của văn hóa, giáo dục cũng đã được nhiều lần nhắc đến. Thế nhưng, tầm quan trọng  để thúc đẩy vị thế, tiềm lực của đất nước, sánh vai với các cường quốc năm châu, vững bước cùng thời đại như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong bài viết đã một lần nữa khẳng định sâu sắc tầm quan trọng của văn hóa, giáo dục đối với sự phát triển, tồn vong của đất nước.

Phóng viên: Để thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tới đây Đảng đoàn Quốc hội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai 06 giải pháp, trong đó có việc "phát huy vai trò ngoại giao nghị viện, mở rộng hợp tác giao lưu văn hoá". Đại biểu có nhận định gì về giải pháp này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Sáu giải pháp mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra đều là những giải pháp căn cơ để thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam chúng ta có nét văn hóa riêng, không trộn lẫn với bất kỳ một quốc gia nào, để ngày càng phát huy tiềm năng, trí tuệ của con người Việt Nam, xóa bỏ những hủ tục không còn phù hợp thì việc mở rộng hợp tác giao lưu văn hoá là rất cần thiết. Bên cạnh việc tiếp tục kế thừa và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp để hội nhập với quốc tế, khẳng định bản sắc văn hóa con người Việt Nam, giao lưu văn hóa sẽ giúp chúng ta chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.

Văn hóa ngoại giao nghị trường trong nhiệm kỳ Quốc hội lần này đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn dắt, thể hiện rất độc đáo, khéo léo. Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ và Hàn Quốc vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội cấp cao nước ta đã có buổi gặp và làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa kiêm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Meenakashi Lekhi và Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu kinh tế, văn hoá Hàn Quốc - Việt Nam Kill Soo thống nhất được nhiều nội dung quan trọng nhằm tiếp tục làm sâu sắc và đưa quan hệ nước ta với Hàn Quốc, Ấn Độ lên tầm cao mới, trong đó có đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác về giáo dục. Đặc biệt là qua những chuyến thăm ngoại giao như thế này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất khéo léo khẳng định bản sắc độc lập, riêng biệt của Việt Nam trong cách thể hiện tình cảm với nước bạn, phong cách ứng xử trong hoạt động ngoại giao nhưng vẫn toát lên được tinh thần đoàn kết trong mối quan hệ song phương, đôi bên cùng có lợi, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)