Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Ngành Nông nghiệp Việt Nam cần xoay quanh “giảm chi phí – tăng chất lượng”

Trang chủ Tin tức

Ngành Nông nghiệp Việt Nam cần xoay quanh “giảm chi phí – tăng chất lượng”

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 16/3/2022) về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương có những chất vấn, nội dung trao đổi của nhiều đại biểu Quốc hội liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, với trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng, vừa qua Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có văn bản giải trình một số nội dung liên quan.

Bên cạnh giải trình về tình trạng nông sản ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ về tình hình và nguyên nhân chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đã tồn tại phổ biến suốt thời gian dài do nhiều nguyên nhân, trong đó các đặc điểm chiều dài đường biên trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc gần 1.100km, với nhiều đường mòn, lối mở. Hoạt động trao đổi nông sản theo quy chế cư dân biên giới, tiểu ngạch đã góp phần thúc đẩy sản xuất nội địa; nhờ đó nhiều ngành hàng có quy mô lớn có giá trị xuất khẩu tăng liên tục trong những năm qua.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, xuất khẩu tiểu ngạch đã bộ lộ nhiều rủi ro do không được tổ chức chuyên nghiệp, không có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chuyên ngành từ Trung Quốc xuống đến địa phương. Các thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam thường kinh doanh theo từng mùa vụ, thương vụ, chưa cập nhật kịp thời thông tin thị trường luôn biến động, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh xuyên biên giới diễn biến khó lường. Thêm vào đó, gần đây Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, định danh vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói. Đồng thời, hướng đến chuyển sang chỉ nhập khẩu chính ngạch, bằng tiến hành dựng hàng rào giữa biên giới hai nước.

Do đó, nếu không nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh trong nước và không đáp ứng được những chuẩn mực mới phía Trung Quốc, bênh cạnh việc bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, việc xuất khẩu nông sản sang quốc gia này sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Cùng với đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu rõ tình hình và nguyên nhân tình trạng chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, trong khi đầu ra không tăng hoặc có thời gian giảm. Bộ trưởng cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng, ngành Nông nghiệp quan tâm nhiều đến “tư duy sản xuất”, mục tiêu là tạo ra sản lượng nhiều nhất; dẫn đến thâm dụng tài nguyên và phải tăng lượng vật tư đầu vào, tăng chi phí sản xuất. Cùng nhiều nguyên nhân khác, người sản xuất đã sử dụng, rồi lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học để kích thích tăng trưởng, tăng trọng. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới và nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước, nông dân Việt Nam đang lãng phí khoảng 40-50% lượng vật tư đầu vào. Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, giải pháp của ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay cần xoay quanh “giảm chi phí – tăng chất lượng”.

Từ thực trạng trên, để thực hiện hiệu quả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra các giải pháp mang tính dài hạn, căn cơ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp là ngành rất rộng, tác động không chỉ đối với tăng trưởng của ngành cũng như tăng trưởng chung của đất nước. Bộ trưởng cho rằng những chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến nông nghiệp đã phân cấp cho các cấp chính quyền. Từ đó, Bộ trưởng mong muốn đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng giám sát đối với bộ máy chuyên ngành ở cơ sở. Kết quả giám sát sẽ giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thêm nguồn thông tin hoàn thiện công tác quản lý, đồng thời giúp các cấp chính quyền thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao theo pháp luật.

Nguồn: 1748/BC-BNN-VP

Khải Hân