Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Sâu sát, lắng nghe để giải quyết bức xúc

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Sâu sát, lắng nghe để giải quyết bức xúc

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, người đại biểu cần chịu khó đi sâu đi sát cơ sở, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cử tri, nghiên cứu kỹ từng nhóm ý kiến, đối chiếu các nhóm ý kiến đó với các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó mới lựa chọn cách truyền đạt tới diễn đàn HĐND. Việc đi sâu đi sát, cụ thể, khách quan sẽ giúp người đại biểu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của cử tri, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Sâu sát cử tri, lắng nghe cơ sở

Yêu cầu thực tiễn đặt ra, đại biểu cần chịu khó đi sâu đi sát cử tri, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cử tri, nghiên cứu kỹ từng nhóm ý kiến, đối chiếu các nhóm ý kiến đó với các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó mới lựa chọn cách truyền đạt tới diễn đàn HĐND như: Sẽ nêu ý kiến chất vấn để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, nếu ý kiến của cử tri đúng, đã có quy định của pháp luật mà các tổ chức, cá nhân thực hiện chưa đúng. Đề xuất sửa đổi các chính sách đã có nếu ý kiến của cử tri cho thấy chính sách chưa phù hợp với thực tiễn. Đề xuất nghiên cứu ban hành chính sách mới, nếu nhóm ý kiến đó là nguyện vọng chính đáng của cử tri và sẽ thúc đẩy sự phát triển hoặc cải thiện đời sống của nhân dân trong khi nguồn lực của địa phương có thể thực hiện được. Sử dụng các ý kiến, kiến nghị của của cử trị để thảo luận, đánh giá những kết quả đã làm được, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thực hiện cho 6 tháng hoặc cả năm tại các kỳ họp thường kỳ của HĐND. Đối với vấn đề cử tri, công dân chưa hiểu, cần giải thích để công dân hiểu rõ và đồng thuận.

Việc đi sâu, đi sát, cụ thể, khách quan hết sức quan trọng. Người đại biểu HĐND làm tốt được điều này ngoài thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình còn góp phần giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của cử tri, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh giám sát tại cơ sở giết mổ động vật tập trung
tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh.   Ảnh: L. Thành

Khi tham gia các hoạt động của người đại biểu như TXCT, tiếp công dân, dự kỳ họp, giám sát... đại biểu phải dành thời gian chuẩn bị kỹ từng nội dung mình dự kiến tham gia, nhất là chuẩn bị phát biểu ý kiến trên diễn đàn kỳ họp, hoặc trong hội nghị TXCT, cũng như chất vấn. Tùy theo tính chất của từng hoạt động, chuẩn bị và sử dụng các công cụ khác nhau để chuyển tải được ý kiến của mình hiệu quả nhất. Lưu ý, các ý kiến chuẩn bị phải bảo đảm nguyên tắc nắm chắc nội dung, chuẩn bị ngắn gọn, đúng trọng tâm, sử dụng các câu hỏi ngắn rõ.

Giải tỏa ngay bức xúc

Đơn cử, năm 2009, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh nhận được đơn khiếu nại của một công dân ở một xã của huyện Thạch Hà về việc xã cấp đất ở xen dặm, khoảng 100m2 cho một hộ dân chồng lấn lên vườn của gia đình. Công dân đã gửi đơn lên xã, xã không giải quyết, sau đó gửi đơn lên UBND huyện Thạch Hà, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trả lời song công dân cho là chưa thỏa đáng nên gửi đơn tới Thường trực HĐND tỉnh. Trong đơn, công dân viết với lời lẽ hết sức bức xúc. Sau khi nghiên cứu đơn, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Trương Công Bảng đã tổ chức đi khảo sát cụ thể tại gia đình công dân khiếu nại, xem xét cụ thể khu vực đất bị cấp trùng; đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, xóm trưởng cùng đi với đoàn.

Kết quả khảo sát cho thấy, việc khiếu nại của công dân hoàn toàn đúng, song hơn một năm vì lỡ cấp sai nên cấp xã, huyện cứ lần lữa không giải quyết nên công dân bức xúc gửi đơn đi nhiều nơi. Khi làm việc với chủ hộ đứng đơn, công dân rất vui vẻ và nói: “Tôi không tiếc gì 100m2 đất, vì vườn tôi rất rộng, nếu xã, huyện trao đổi và xin lỗi tôi, tôi sẵn sàng hiến cho xã để cấp cho gia đình khác”. Sau khi trò chuyện, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh hỏi bây giờ nếu xã và huyện xin lỗi thì ý anh thế nào? Chủ hộ trả lời sẵn sàng cho qua không phải làm thủ tục nữa, nhưng yêu cầu huyện cần chứng nhận quyền sử dụng đất cho.

Hay năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tiếp 2 công dân ở xã PT, huyện Hương Khê xin gặp tại Văn phòng HĐND tỉnh vì không vào ngày tiếp dân. Khi được mời vào phòng, công dân đặt lên bàn một tập sơ dày, kèm theo câu nói: “Hôm nay chúng tôi được gặp bà, mong bà cho ý kiến giải quyết, nếu không xin phép bà chúng tôi sẽ ra Hà Nội gặp Thủ tướng Chính phủ”. Sau khi mời công dân uống nước và hỏi thăm, Phó Chủ tịch hẹn sẽ xem xét trả lời sau vì chưa đọc kỹ hồ sơ và công dân vui vẻ ra về. Sau đó, chuyển hồ sơ cho tôi đề nghị tham mưu xử lý. Nghiên cứu hồ sơ tôi thấy, công dân khiếu nại đến UBND huyện và tỉnh về việc không giải quyết chế độ tử tuất cho chị dâu vợ liệt sĩ đã tái giá hưởng chế độ nuôi dưỡng mẹ liệt sĩ. Hồ sơ đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời 2 lần bằng văn bản nhưng công dân không đồng tình.

Sau khi đi tìm hiểu cụ thể ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND huyện Hương Khê, UBND xã PT, các cá nhân liên quan đã xác nhận vào hồ sơ trước đó... tôi thấy vụ việc không đúng như hồ sơ phản ánh, liền tổ chức một cuộc làm việc tại xã PT, mời đầy đủ các thành phần tham dự. Sau khi nghe đầy đủ các ý kiến, tôi mời công dân có đơn phát biểu. Kết quả thật bất ngờ, 2 công dân đứng đơn đã xin lỗi do không hiểu hết nên đã gửi đơn làm phiền và xin rút đơn.

Qua hai câu chuyện nêu trên có thể thấy, nếu không sâu sát thì chắc vụ việc không dừng lại tại đây mà còn “nóng” hơn theo thời gian, vì vậy việc sâu sát cử tri, khách quan, trung thực, minh bạch là việc rất cần thiết của đại biểu HĐND.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)