Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Cụ thể tiêu chí đánh giá đại biểu, Tổ đại biểu

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Cụ thể tiêu chí đánh giá đại biểu, Tổ đại biểu

Để hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, cùng với đánh giá vai trò, cần nghiên cứu xây dựng quy chế, chế độ làm việc phù hợp. Quy định chế độ báo cáo, phản ánh, sinh hoạt định kỳ của Tổ đại biểu. Căn cứ tình hình cụ thể để phân công đại biểu giám sát, quy định mỗi Tổ đại biểu phải tổ chức ít nhất 1 cuộc giám sát chuyên đề hàng năm; tổ chức nghiên cứu chuyên sâu để mỗi kỳ họp có ít nhất 1 ý kiến chất vấn gửi đến Thường trực HĐND về những vấn đề cử tri, Nhân dân bức xúc… Coi đây là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đại biểu, Tổ đại biểu.

Chuyển biến thực chất, hiệu quả

Hoạt động giám sát là một trong hai chức năng chính của HĐND, một trong những biểu hiện sinh động, phản ánh tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân trong thiết chế nhà nước dân chủ, cộng hòa. Xét về phương pháp luận, giám sát của HĐND là một cơ chế để kiểm soát các mối quan hệ: Công dân - pháp luật; Nhà nước - pháp luật - công dân; kiểm soát quyền lực Nhân dân đã “ủy thác” cho Nhà nước, cụ thể là kết quả cơ quan nhà nước mỗi cấp đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định pháp luật như thế nào. Mặt khác, giám sát còn là một trong những hình thức góp phần kiểm chứng, chuyển hóa chính sách và các giá trị nền dân chủ vào đời sống, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, pháp luật về hoạt động giám sát của cơ quan dân cử nước ta không ngừng được xây dựng, hoàn thiện. Trong đó, hoạt động của đại biểu HĐND các cấp và Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện đã có những chuyển biến ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, nhất là trong việc chuẩn bị nội dung, địa điểm TXCT; thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Đại biểu đã thường xuyên bám sát cơ sở, liên hệ chặt chẽ với cử tri, tích cực nghiên cứu pháp luật, nghiên cứu tài liệu trước và sau mỗi kỳ họp, góp phần đưa nghị quyết của HĐND vào cuộc sống. Một số Tổ đại biểu HĐND hoạt động thường xuyên, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn Luật định.

Minh chứng trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng đơn vị thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, huyện Đạ Tẻh đã giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực bảo hiểm y tế, lao động việc làm, thực hiện chính sách xã hội, chi trả tiền đầu tư đường điện hạ thế mà ngành điện lực đã huy động dân đóng góp trước đó… Các kiến nghị sau giám sát đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp thu, giải quyết, báo cáo HĐND tỉnh theo quy định. Một số Tổ đại biểu HĐND cấp huyện ở Lâm Hà cũng đã thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề do Thường trực HĐND huyện giao.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng đơn vị huyện Lâm Hà giám sát kết quả giải quyết kiến nghị
của cử tri tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khóa IX

Thường xuyên rà soát, đánh giá trách nhiệm của đại biểu

Tuy nhiên, những kết quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND các cấp và Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại, chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Trước hết, các quy định pháp luật về hoạt động giám sát của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND mặc dù đã có hiệu lực 6 năm nay (hơn 1 nhiệm kỳ) nhưng chậm được triển khai thực hiện hiệu quả, xứng với vị thế, địa vị pháp lý. Việc thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri là trách nhiệm chính của Tổ đại biểu HĐND nhưng cũng còn tình trạng ủy thác, “khoán trắng” cho cơ quan Mặt trận Tổ quốc sở tại. Có Tổ đại biểu suốt cả năm, cả nhiệm kỳ không báo cáo hoạt động, không tổ chức hoạt động giám sát nào, Thường trực HĐND cùng cấp cũng không phân công giám sát cho Tổ đại biểu (!)

Thực tế trên cho thấy, điều tiên quyết là đại biểu HĐND trên mỗi cương vị phải chủ động, phát huy đầy đủ trách nhiệm, bổn phận của mình. Cử tri bầu ra người đại diện chính trị cho mình để thực thi quyền lực của Nhân dân là hiện thân của chế độ dân chủ ở nước ta. Nếu họ hoạt động hình thức, nói không đi đôi với làm thì các giá trị dân chủ cũng sẽ xa rời cuộc sống.

Hiện nay, nhiều đại biểu HĐND là đảng viên, được Đảng - cụ thể là cấp ủy Đảng cùng cấp - giới thiệu, giao nhiệm vụ ứng cử làm đại biểu HĐND để thực hiện cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nếu những đại biểu nòng cốt này hoạt động kém hiệu quả, không những ảnh hưởng đến uy tín của Đảng mà còn làm tổn thương lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ. Vì vậy, cần thường xuyên rà soát, đánh giá, kiểm điểm định kỳ trách nhiệm của đại biểu, nhất là những đại biểu đã được cấp ủy giới thiệu ứng cử, trúng cử, giữ các trọng trách trong cơ quan HĐND, UBND các cấp, trong Tổ đại biểu HĐND, coi đó là một trong các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên đối với hoạt động cơ quan dân cử địa phương.

Cùng với đánh giá vai trò người đại biểu và Tổ đại biểu HĐND, cần nghiên cứu xây dựng quy chế, chế độ làm việc (dạng quy phạm thấp hơn quy chế hoạt động) phù hợp thực tiễn mỗi địa phương. Quy định chế độ báo cáo, phản ảnh, sinh hoạt định kỳ của Tổ đại biểu (có thể sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, lập nhóm trao đổi trực tuyến). Căn cứ tình hình cụ thể để phân công đại biểu giám sát, quy định mỗi Tổ đại biểu phải tổ chức ít nhất 1 cuộc giám sát chuyên đề hàng năm; tổ chức nghiên cứu chuyên sâu để mỗi kỳ họp có ít nhất 1 ý kiến chất vấn gửi đến Thường trực HĐND về những vấn đề mà cử tri, Nhân dân bức xúc; có ít nhất 1 ý kiến đối với các báo cáo của HĐND, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND trình ra kỳ họp… Coi đây là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đại biểu, Tổ đại biểu, của Đảng viên và cấp ủy viên hoạt động trong bộ máy nhà nước địa phương. Làm được như vậy sẽ giúp hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.

 (Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)