Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Chắc chắn không nhiều em học Lịch sử khi môn này thành tự chọn

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Chắc chắn không nhiều em học Lịch sử khi môn này thành tự chọn

Ông Phạm Văn Hòa và ông Trần Ngọc Vinh cho rằng khi môn Lịch sử trở thành tự chọn sẽ để lại nhiều hệ lụy lâu dài.

Theo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông.

Trước ý kiến xung quanh Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông, ngày 23/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải thích về vấn đề này. Bộ cho rằng với cách thiết kế chương trình như hiện nay, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.

Chia sẻ quan điểm của mình với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông chưa hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ: "Tôi được biết theo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử và Địa lý trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông.

Tôi cho rằng học sinh tiểu học chưa thể hiểu hết được lịch sử, địa lý Việt Nam, các em nên được học những gì cơ bản nhất. Học sinh cấp trung học cơ sở có thể hiểu được nhưng bậc học này chỉ có 4 năm thì làm sao có thể hiểu trọn vẹn môn Lịch sử và Địa lý."

Thêm vào đó môn Lịch sử bao gồm cả lịch sử thế giới, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng thời lượng học lịch sử Việt Nam không nhiều.

Vì vậy cần tập trung vào lịch sử Việt Nam, còn phần lịch sử thế giới nên được dạy ở mức độ cơ bản, học sinh có thể tự tìm hiểu thêm nếu có nhu cầu.

Lịch sử Việt Nam rất phong phú, đa dạng từ thời vua Hùng dựng nước, trước và sau năm 1945, ... cần được dạy và học một cách cặn kẽ để học sinh biết được cội nguồn, nguồn gốc của dân tộc. Vì vậy, khi học sinh chỉ học môn này ở bậc tiểu học và trung học cơ sở là chưa đủ để các em có thể hiểu hết được lịch sử Việt Nam.

Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lịch sử, Địa lý trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông sẽ gây ra nhiều hậu quả mang tính lâu dài, học sinh sẽ không biết lịch sử, địa lý Việt Nam làm lịch sử dân tộc bị mai một.

Thực tế, chuyển thành môn tự chọn nhưng cũng như là bỏ vì rất hiếm học sinh chọn môn này, phần lớn các em sẽ chọn những môn khoa học tự nhiên.

"Vì vậy đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử cũng sẽ bị mai một, do không được chú trọng. Về lâu về dài sẽ không có giáo viên dạy và người học ngành sư phạm Lịch sử, do không có nhiều học sinh chọn môn này. Thế hệ thầy cô dạy Lịch sử hiện nay, nhiều người sẽ về hưu. Theo tôi Lịch sử phải là môn bắt buộc chứ không phải tự chọn.

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại Đề án này, khi Lịch sử trở thành môn học tự chọn đồng nghĩa với việc lịch sử Việt Nam sẽ bị mai một", Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với Ủy viên Ban Pháp luật của Quốc hội, ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 cho rằng ở bậc trung học phổ thông Lịch sử phải là môn học bắt buộc chứ không phải tự chọn.

Sẽ không nhiều học sinh chọn môn này, một là vì nội dung kiến thức lớn, hai là phải học thuộc.

Hậu quả để lại là học sinh ngày càng ngại học môn Lịch sử dẫn đến việc những công dân sau này không hiểu lịch sử, không biết về cội vì vậy sẽ không thể phát huy được tinh thần dân tộc.

Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ảnh: Quochoi.vn

Đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử sẽ bị mai một do không được chú trọng và tăng sức ép cho các thầy cô dạy môn Khoa học tự nhiên vì số lượng học sinh lựa chọn những môn học này là rất lớn.

(Nguồn: Giáo dục Việt Nam)