Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Tạo thuận lợi trong tiếp thu, trả lời ý kiến cử tri

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Tạo thuận lợi trong tiếp thu, trả lời ý kiến cử tri

Từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT), cần chú trọng kết hợp TXCT cho đại biểu HĐND 3 cấp để thuận tiện cho việc tiếp thu, trả lời cử tri; mở rộng các hình thức TXCT; có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND huyện, xã để giải đáp ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền. Cùng với đó, đại biểu cần tìm hiểu, nắm bắt những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dự kiến những nội dung cử tri quan tâm để có thể trả lời, giải đáp.

Giữ mối liên hệ chặt với cử tri

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu thuộc Tổ đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang khu vực huyện Yên Dũng thường xuyên quan tâm thực hiện nhiệm vụ TXCT. Qua đó, giữ mối liên hệ chặt với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND.

Để nâng cao hiệu quả các cuộc TXCT, thực tế cho thấy cần làm tốt công tác chuẩn bị trước khi TXCT. Do trên địa bàn huyện có 2 đơn vị bầu cử nên khi xây dựng kế hoạch TXCT của tổ, việc phân công các đại biểu tham gia TXCT thông thường bảo đảm mỗi cuộc TXCT có từ 3 - 4 đại biểu tham dự, đề phòng đại biểu có công việc đột xuất vắng sẽ không ảnh hưởng đến buổi TXCT. Kế hoạch TXCT của tổ được gửi sớm đến các đại biểu để bố trí, sắp xếp tham gia. Sau khi có lịch và đơn vị nơi tổ chức TXCT, các đại biểu cần quan tâm tìm hiểu tình hình của đơn vị nơi TXCT, chú ý đến các vấn đề cử tri quan tâm (thông qua ý kiến phản ánh của cử tri ở các kỳ tiếp xúc trước hoặc thông qua nắm bắt những chính sách mới triển khai trên địa bàn có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân như: Bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mô hình sản xuất…) để tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản, quy định liên quan.

Tại buổi TXCT, trong số các đại biểu tham dự, cần phân công một đại biểu thông báo đến cử tri các nội dung theo chương trình hội nghị. Đối với những nội dung dài, đại biểu cần chuẩn bị bản tóm tắt để thông báo đến cử tri. Nội dung thông báo cần ngắn gọn, đầy đủ, súc tích; đối với nghị quyết của HĐND, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, lựa chọn những nội dung cử tri ở địa phương quan tâm để báo cáo. Những vấn đề cử tri nêu tại hội nghị nên được phân loại để có hướng giải quyết phù hợp như: Những vấn đề cử tri nêu đã được giải quyết hoặc có quy định, hướng dẫn cụ thể thì đại biểu thông báo, giải thích với cử tri; những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã, nếu có đại biểu đại diện cho cấp huyện, cấp xã tham dự thì đề nghị giới thiệu đại biểu cấp huyện, cấp xã trả lời; những vấn đề cần có thời gian xem xét, giải quyết thì đại diện tổ đại biểu tham gia TXCT tiếp thu để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Đại biểu HĐND tỉnh, huyện Yên Dũng phối hợp TXCT xã Tiền Phong. Ảnh: Hạnh Liên

Đáp ứng tốt hơn mong muốn của cử tri

Nhìn chung, các đại biểu trong Tổ đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang khu vực huyện Yên Dũng cơ bản đã phát huy được vai trò, trách nhiệm trong nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc, kết hợp với khảo sát thực tế để nắm bắt những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị, đề xuất để phản ánh đến Thường trực HĐND, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND.

Tuy nhiên, để hoạt động TXCT của đại biểu ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, mong muốn của cử tri, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được quan tâm. Trước hết, mỗi đại biểu cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về hoạt động TXCT của đại biểu HĐND, xác định TXCT vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của đại biểu. Cần chú trọng đổi mới cách thức tổ chức theo hướng kết hợp TXCT cho đại biểu HĐND 3 cấp để thuận tiện cho việc trả lời cử tri. Thời gian tổ chức TXCT nên tiến hành sớm để thuận lợi cho việc tổng hợp ý kiến. Mở rộng các hình thức TXCT theo chuyên đề, theo lĩnh vực; TXCT nơi cư trú, nơi công tác. Ngoài ra, tùy điều kiện cụ thể, đại biểu có thể trực tiếp gặp gỡ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề đại biểu quan tâm; tăng cường hoạt động tự tiếp xúc, liên hệ với cá nhân, nhóm cử tri thông qua các hình thức như: Trực tiếp, qua điện thoại, trang thông tin điện tử, đài phát thanh, truyền hình… để thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thành phần TXCT cần có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND huyện, xã để giải đáp ngay tại hội nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Việc chuẩn bị tốt nội dung TXCT, nhất là báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và các văn bản pháp luật liên quan khác để tuyên truyền, phổ biến, giải thích và vận động nhân dân thực hiện rất quan trọng. Nội dung báo cáo cần ngắn gọn, rõ ràng, đủ các nội dung cần thiết; có sự chọn lọc, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cử tri. Do đó, đại biểu cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin về tình hình cử tri tại địa bàn được bố trí tiếp xúc, những vấn đề nổi cộm, bức xúc của cử tri ở địa phương, dự kiến những nội dung cử tri quan tâm phát biểu ý kiến, kiến nghị khi đại biểu tiếp xúc. Chủ động theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng; thông tin kết quả giải quyết đến cử tri, đồng thời giám sát việc giải quyết trên thực tế, từ đó có những kiến nghị, đề xuất với Thường trực HĐND đối với các nội dung giải quyết không kịp thời, chưa đầy đủ.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn