Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Tiếp xúc cử tri - nghĩa vụ và trách nhiệm của người đại biểu

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Tiếp xúc cử tri - nghĩa vụ và trách nhiệm của người đại biểu

Cần có sự thay đổi trong quan niệm, đại biểu dân cử không chỉ là cầu nối mà thực sự phải là người đại diện cho Nhân dân; hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Cùng với chọn những nơi là điểm “nóng” có nhiều bức xúc của cử tri, cần tạo điều kiện đối thoại giữa cử tri với đại biểu HĐND, với chính quyền địa phương. Đặc biệt, người đại biểu phải nhớ và tôn trọng chính lời hứa của mình với cử tri, đã hứa phải quyết làm cho kỳ được, khó cũng phải làm. Có như vậy, cử tri mới tin tưởng và trải lòng với đại biểu.

Lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý kiến của cử tri

Với vai trò là người đại diện cho Nhân dân, cho cử tri, các hoạt động của đại biểu dân cử phải có sự liên hệ chặt chẽ, “máu thịt” với cử tri. Hoạt động TXCT là điều kiện tốt để đại biểu dân cử thể hiện rõ vai trò đại diện của mình theo quy định của pháp luật.

Cử tri người dân tộc Mông tại Sa Pa có ý kiến với đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai tại một hội nghị tiếp xúc cử tri

Về hoạt động TXCT của đại biểu dân cử, chúng ta thường nghe nói: Đại biểu là “cầu nối” của cử tri với các cơ quan quản lý nhà nước. Nói như vậy đúng nhưng chưa đủ, bởi vì theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đều là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân”. Do vậy, nếu nói rằng đại biểu là chiếc “cầu nối” e rằng như vậy vai trò đại diện của đại biểu dân cử có ý nghĩa thụ động. Khi xác định hoạt động TXCT không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của người đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, của cử tri địa phương (với các đại biểu HĐND) và với cử tri cả nước (đối với đại biểu Quốc hội), hoạt động TXCT thực sự trở thành nhu cầu và việc tổ chức TXCT sẽ do đại biểu chủ động thực hiện.

Hoạt động TXCT của đại biểu là sự thể hiện rõ nhất vai trò “người đại diện” của đại biểu dân cử. Qua TXCT, người đại biểu giữ mối liên hệ với cử tri góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri. Đồng thời, giúp đại biểu lắng nghe, ghi nhận và giải quyết những bức xúc tâm tư, kiến nghị của người dân hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, qua các buổi TXCT, nhất là những gặp gỡ bên lề, đại biểu thấu hiểu hơn về đời sống Nhân dân nơi mình ứng cử để từ đó có được sự thấu cảm với những tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Với vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyên vọng của Nhân dân, đại biểu phải thực sự cầu thị, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến của cử tri đến với Quốc hội, HĐND. Song song với việc phản ánh nguyện vọng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội, HĐND, đại biểu cần chủ động tham gia với chính quyền bàn giải pháp tháo gỡ kịp thời những kiến nghị của cử tri trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Chọn điểm “nóng” có nhiều bức xúc

Thực tiễn cho thấy, để thực sự hiệu quả, nên tổ chức TXCT hai cấp cho đại biểu dân cử: Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh; đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện; đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã. Đặc biệt, không nên chọn những địa điểm “xuôi chèo mát mái”, đại biểu HĐND cần bàn bạc với Tổ đại biểu chọn những nơi là điểm “nóng” có nhiều bức xúc của cử tri để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết những yêu cầu chính đáng của họ.

Việc tổ chức TXCT theo chuyên đề là hình thức tiếp xúc có chiều sâu, với một đối tượng cử tri hẹp: Theo ngành nghề, theo giới, theo độ tuổi… giúp đại biểu nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri sâu về một lĩnh vực. Mặt khác, đây cũng là điều kiện để cử tri nói lên ý kiến của mình đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của họ về lĩnh vực chuyên sâu, về nghề nghiệp, độ tuổi... Để có được một cuộc TXCT chuyên đề thành công, đại biểu cần có sự hiểu biết nhất định về ngành nghề, đối tượng cử tri và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với sự giúp sức của các chuyên gia về lĩnh vực sẽ tiếp xúc.

Bên cạnh những hình thức TXCT trực tiếp, đại biểu cần nghiên cứu, TXCT gián tiếp qua địa chỉ của đại biểu trên internet (Blog, Facebook…). Với một lượng lớn cử tri có tri thức, họ có thể có những đóng góp hữu ích cho việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri mà đại biểu cần. Tuy nhiên, cần có sự lựa chọn kỹ càng các ý kiến, kiến nghị của các cử tri gửi đến, bởi vì bên cạnh những ý kiến tâm huyết, cũng không ít cử tri lợi dụng để xuyên tạc, phản ánh không đúng sự thật… Đối với những hình thức này, cần có sự hỗ trợ của đội ngũ quản trị mạng và an ninh mạng.

Đối thoại giữa cử tri với đại biểu, chính quyền địa phương

Trong khuôn khổ quy định của pháp luật, hoạt động TXCT nhằm tạo được mối quan hệ tương tác mật thiết giữa đại biểu với cử tri. Muốn vậy, đại biểu phải xây dựng được niềm tin của cử tri, để cử tri coi đại biểu là người đại diện đích thực của mình. Do đó, trong các buổi TXCT, cần tạo điều kiện đối thoại giữa cử tri với đại biểu HĐND, với chính quyền địa phương, đem lại sự phấn khởi và tin tưởng cho cử tri. Việc tạo được không khí cởi mở, có sự trao đổi giữa đại biểu với cử tri sẽ tạo ra một không gian gần gũi, người dân sẽ có sự tin tưởng ở người đại diện của mình để có những phát biểu góp ý thẳng thắn, nhất là những vấn đề nhạy cảm với tinh thần xây dựng. Qua nhiều buổi TXCT, người viết bài này đã nhận được nhiều hiến kế về các giải pháp của người dân giúp chính quyền tháo gỡ ngòi nổ của những điểm “nóng”, những bức xúc của Nhân dân địa phương.

Đặc biệt, người đại biểu phải nhớ và tôn trọng chính lời hứa của mình với cử tri, đã hứa phải quyết làm cho bằng được, khó cũng phải làm. Có như vậy, cử tri mới tin tưởng và trải lòng với đại biểu. Một ví dụ, năm 2017 khi tiếp xúc với cử tri tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa), cử tri kiến nghị xây dựng trạm tiếp sóng điện thoại di động (trạm BTS) cho các thôn Lử Khấu, Kim Ngan, Phìn Hồ và Xà Chải. Đây là những thôn đặc biệt khó khăn và là “vùng lõm”, không có sóng di động, khó khăn cho phát triển kinh tế của người dân. Chúng tôi hứa với cử tri sẽ vận động nhà mạng giải quyết kiến nghị của cử tri. Viettel Lào Cai đã đồng hành với Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại Sa Pa khảo sát, báo cáo và được sự đồng ý của Tập đoàn cho tiến hành xây dựng trạm BTS tại khu vực này. Quá trình làm phải thay đổi nhiều lần nhà thầu xây dựng do thời tiết, địa hình khó khăn, một số hộ dân chưa hiểu nên đòi bồi thường đất đai.

Để có sự nhất trí của người dân, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại Sa Pa cùng với lãnh đạo xã Bản Khoang lặn lội đến từng hộ để vận động, giải thích. Khi người dân đã đồng thuận, việc xây trạm BTS diễn ra thuận lợi, Nhân dân đem cả ngựa thồ vật liệu giúp nhà thầu. Ngày khánh thành trạm là ngày hội của người dân 4 thôn. Nỗ lực của đại biểu đã lan tỏa, thực sự đã đạt được sự tin tưởng của cử tri.

Việc thực hiện lời hứa với cử tri không chỉ là trách nhiệm, mà còn phải thật sự coi đó là trách nhiệm quan trọng nhất trong hoạt động dân cử. Bởi lẽ, thông qua người đại diện của mình, cử tri bày tỏ những yêu cầu, bức xúc đến với các cơ quan công quyền. Việc giữ lời hứa với cử tri không chỉ là hình ảnh đẹp của người đại diện mà còn là sự tận tâm, tôn trọng cử tri và tôn trọng chính mình của người đại biểu.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)