Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Tăng cường mối liên hệ mật thiết đại biểu - cử tri

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Tăng cường mối liên hệ mật thiết đại biểu - cử tri

Nhằm tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa đại biểu và cử tri, Thường trực HĐND nhiều địa phương thời quan qua đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) bằng những cách làm thiết thực như: tổ chức cho đại biểu HĐND 2 hoặc 3 cấp cùng TXCT; tăng cường TXCT theo chuyên đề, tiếp xúc tại các nhà văn hóa thôn, khu, những nơi người dân đã có ý kiến, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc; đại biểu chủ động tiếp xúc với cử tri qua các nền tảng xã hội để ghi nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị, nhất là những cử tri trẻ tuổi…

Giải đáp ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền

Nâng cao chất lượng hoạt động TXCT, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng, phát hành sớm kế hoạch TXCT để đại biểu HĐND chủ động sắp xếp thời gian tham dự đầy đủ. Cùng với đó, có địa phương, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo mỗi đợt TXCT kéo dài từ 10 - 12 ngày, chia làm 2 đợt, để đại biểu lựa chọn thời gian thích hợp, đăng ký tiếp xúc. Nhờ vậy, các đại biểu HĐND tỉnh, nhất là các đại biểu là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tham dự đầy đủ các buổi tiếp xúc, có điều kiện giải đáp những thắc mắc của cử tri, tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh.  

Việc tổ chức cho đại biểu HĐND 2 cấp (cấp tỉnh và huyện), hoặc 3 cấp (cấp tỉnh, huyện và cấp xã) cùng TXCT tại một điểm trước và sau kỳ họp HĐND; hoặc phối hợp TXCT giữa Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh và Tổ đại biểu HĐND tỉnh quan tâm được nhiều địa phương chú trọng thực hiện. Theo đó, tại các cuộc TXCT trước kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh được yêu cầu TXCT phải cùng thời điểm với đại biểu HĐND cấp huyện, xã. Sau kỳ họp, đại biểu TXCT tại địa điểm đã tiếp xúc trước kỳ họp để báo cáo kết quả kỳ họp, kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND vừa được thông qua. Cách thức này đã giúp giảm số cuộc tiếp xúc, cử tri tham dự đông hơn, đại biểu ghi nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị hơn. Đặc biệt, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được giải đáp hoặc hướng dẫn.

Địa điểm tiếp xúc cũng được chú trọng, tăng cường tại các nhà văn hóa thôn, khu, những nơi người dân đã có ý kiến, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc để đại biểu nắm bắt được nhiều ý kiến, kiến nghị. Đồng thời, các Tổ đại biểu phân công luân phiên các đại biểu TXCT ở các đơn vị bầu cử khác nhau trong địa bàn huyện, thị, thành phố. Thành phần TXCT nhiều địa phương được đổi mới theo hướng mời thêm đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện, xã để giải đáp ngay tại hội nghị về những vấn đề thuộc thẩm quyền; những nơi có nhiều vấn đề bức xúc, cử tri đang quan tâm, mời thêm đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng dự để nắm, trả lời và làm rõ những vấn đề cử tri kiến nghị.

Cử tri huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh kiến nghị với đại biểu dân cử trong một buổi tiếp xúc cử tri
Ảnh: Nguyễn Hoa

Đẩy mạnh tiếp xúc cử tri qua các nền tảng xã hội

Bên cạnh các cuộc TXCT thường kỳ, nhiều địa phương, Thường trực HĐND tăng cường chỉ đạo các Tổ đại biểu tổ chức TXCT theo chuyên đề về những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, những vấn đề bức xúc ở địa phương nhằm thu hút được nhiều ý kiến đóng góp thực chất, sát với đời sống cơ sở. Cùng với đó, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức TXCT phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, vùng miền. Trong đó, đối với huyện miền núi, địa hình phức tạp tổ chức TXCT theo từng thôn, buôn, tạo điều kiện để cử tri tham gia đông đủ.

Ngoài ra, tùy điều kiện cụ thể, đại biểu HĐND có thể trực tiếp gặp gỡ, liên hệ với cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề đại biểu quan tâm để tổ chức tiếp xúc, liên hệ với cá nhân, nhóm cử tri thông qua các hình thức trực tiếp, hoặc thông qua các kênh thông tin tiếp nhận, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, xã hội số như hiện nay, nhiều đại biểu cũng đã bước đầu chủ động tiếp xúc với cử tri qua các nền tảng xã hội để ghi nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là những cử tri trẻ tuổi.

Tạo không khí gần gũi, thân mật

Trên cơ sở kế hoạch, đề cương, đại biểu HĐND nghiên cứu, chuẩn bị lựa chọn nội dung, những vấn đề liên quan trực tiếp đến cử tri tại điểm tiếp xúc để thông tin tới cử tri những thắc mắc đại biểu đã tiếp thu, bảo đảm ngắn gọn, đầy đủ, phù hợp với địa bàn tiếp xúc và đối tượng cử tri; dành thời gian nghiên cứu, nắm bắt tình hình địa bàn tiếp xúc và nên đến trước giờ quy định để có điều kiện gặp gỡ, thăm dò các vấn đề cử tri quan tâm.

Để tạo niềm tin của cử tri và thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, đại biểu cần rèn luyện năng lực, phương pháp, cách ứng xử khi đối thoại trực tiếp với cử tri; lường trước các tình huống có thể xảy ra như một số cử tri có vấn đề bức xúc nên có thái độ gay gắt, nóng nảy, đại biểu phải biết ứng xử thế nào để cử tri không thất vọng, mất niềm tin mà vẫn thu thập được những thông tin có chất lượng. Quá trình tiếp xúc, đại biểu cần tạo không khí thân mật, gần gũi, thái độ ứng xử bình tĩnh, tự tin và có chính kiến rõ ràng. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan tới trách nhiệm của xã, huyện yêu cầu lãnh đạo xã, huyện trả lời, nếu vấn đề được cử tri đồng tình nhất trí thì không tổng hợp vào kiến nghị cử tri; những vấn đề có tính thời sự, mới, liên quan tới nội dung sẽ trình tại kỳ họp… sẽ được tổng hợp đầy đủ gửi về Thường trực HĐND cùng cấp.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)