Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Không để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong các văn bản pháp luật

Chi tiết bài viết Tin tức

Không để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong các văn bản pháp luật

Đánh giá cao hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua có nhiều đổi mới, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng vẫn còn một số văn bản luật chưa ổn định, phải sửa đổi nhiều lần, nhiều luật chậm có văn bản hướng dẫn thi hành, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Cử tri kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình xây dựng pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, chậm ban hành văn bản hướng dẫn; chấn chỉnh kỷ cương, không để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong các văn bản pháp luật.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong những năm qua Quốc hội đã không ngừng đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy trình lập pháp. Trong đó, đổi mới cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo; tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản; huy động trí tuệ của xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật. Phát huy vai trò của các Ủy ban Quốc hội trong thẩm tra; tích cực, kỹ lưỡng trong thẩm tra ngay từ giai đoạn lập đề nghị, chủ động phối hợp với các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, khảo sát thực tế, tham khảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động của văn bản... Do đó, các báo cáo thẩm tra ngày càng nâng cao chất lượng, thể hiện rõ chính kiến, có tính phản biện cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn.

Việc chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao. Sau mỗi phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có thông báo kết luận về các nội dung lớn, còn ý kiến khác nhau trong từng dự án. Đồng thời, tổ chức hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách nhằm phát huy vai trò nòng cốt của đại biểu trong việc góp ý kiến đối với những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thảo luận; các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng có nhiều hình thức thảo luận, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các các cơ quan, tổ chức hữu quan vào các dự án, dự thảo; đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, tích cực đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng văn bản ban hành.

Để tránh hiện tượng “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định về việc thành lập Ban soạn thảo liên ngành, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức; các quy định về hoạt động thẩm tra; sau khi dự án luật được trình ra Quốc hội cho ý kiến thì cơ quan của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan trình và các cơ quan giúp Ủy ban Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện cho thấy vẫn có không ít dự án luật sau khi trình Quốc hội đã phải chỉnh sửa, thay đổi nhiều về nội dung so với dự thảo để đảm bảo khách quan, sự phù hợp và tính khả thi. Điều đó thể hiện chất lượng xây dựng pháp luật vẫn còn bất cập, hạn chế cần khắc phục.

Theo Ủy ban Pháp luật, những vấn đề này đã được Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua) xác định và đề ra giải pháp khắc phục. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về nội dung này, trong đó xác định rõ yêu cầu “siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong văn bản pháp luật.

Nguồn: 1090/UBPL15

Khải Hân