Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Đại biểu Trần Văn Sáu: Sạt lở đang “bủa vây” Đồng bằng sông Cửu Long

Chi tiết bài viết Tin tức

Đại biểu Trần Văn Sáu: Sạt lở đang “bủa vây” Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Tham gia ý kiến, đại biểu Trần Văn Sáu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu thực trạng vấn đề cát sông và việc khai thác cát sông không bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Đại biểu Trần Văn Sáu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu cho biết, thời gian qua việc khai thác cát không bền vững đã làm cho ĐBSCL đang bị sụt lún, thu hẹp, ngày một nhanh hơn. Lượng trầm tích, cát, sỏi trên sông ngày càng giảm, trong khi biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tốc độ đô thị hóa nhanh, công trình công cộng, công trình dân sinh.... làm cho nhu cầu về sử dụng cát ngày càng nhiều, nhất là từ đây đến hết 2025, ĐBSCL cần hoàn thành 400km đường cao tốc, cát san lấp thật sự là bài toán khó. Nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng là nhu cầu có thật và thiết yếu cả lĩnh vực công lẫn lĩnh vực tư, trong bối cảnh này, bài toán quản lý cát là bài toán khó, nếu tiếp tục khai thác cát không bền vững, có thể đánh đổi sạt lở, mất đất. Do đó, câu chuyện về cát không chỉ là vật liệu xây dựng thông thường, mà cần nhìn nhận thêm vai trò duy trì lãnh thổ, để đưa vào bài toán cân nhắc.

Theo đại biểu, nếu nói sạt lở đang “bủa vây” ĐBSCL cũng không sai, cùng với triều cường, nước biển dâng của biến đổi khí hậu, việc khai thác cát tràn lan, sự can thiệp thô bạo của con người, đã khiến sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, đời sống của hàng chục ngàn hộ dân.

Đại biểu Trần Văn Sáu nêu thực tế, hiện nay, có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác, với 28 triệu tấn cát sông mỗi năm, trong đó có hơn 70% cát khai thác để sử dụng san lấp. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế, rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên. Cùng với đó và các nguyên nhân khác đã làm cho toàn vùng ĐBSCL có đến 621 điểm sạt lở, với tổng chiều dài sạt lở khoảng 610km, trong đó có 147 điểm sạt lở đặt biệt nguy hiểm. Do đó, quản lý khai thác cát một cách bền vững, rất cần một giải pháp thuận thiên, để giúp ĐBSCL giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động tiêu cực lên địa mạo của đồng bằng, sinh kế của người dân, an ninh lương thực, đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Việc quản lý khai thác cát bền vững cần phải dựa vào sự cân bằng thay đổi theo thời gian, giữa lượng cát đổ về, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác và lượng cát đổ ra biển, để biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực. Đại biểu cho rằng việc cấp phép khai thác cát dựa trên kết quả đo đạc trữ lượng cát có ở đáy sông hiện nay là chưa phù hợp.

Theo đại biểu, một giải pháp khác là cần sớm phục hồi hình thái sông ở khu vực ĐBSCL. Sắp tới rất cần một kế hoạch tổng thể, đánh giá toàn diện về hình thái sông, nhằm cung cấp cho các địa phương chỗ nào phải cấm khai thác cát, chỗ nào cần hạn chế và chỗ nào có thể khai thác ở mức độ phù hợp, để bảo toàn và phục hồi hình thái sông.

Khải Hân