Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND cấp tỉnh: Độc lập hay sáp nhập? Cần độc lập và mạnh dạn sắp xếp các tổ chức bên trong

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND cấp tỉnh: Độc lập hay sáp nhập? Cần độc lập và mạnh dạn sắp xếp các tổ chức bên trong

Chủ trương nhất quán của Trung ương là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương này phải hướng đến và đạt được yêu cầu về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Mô hình tách - nhập các văn phòng trong lịch sử đều đã cho thấy những bất cập. Vì vậy, để đạt được mục tiêu của Trung ương vừa tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, vừa bảo đảm sự vận hành trơn tru, hiệu quả của bộ máy, mỗi văn phòng cần độc lập và mạnh dạn sắp xếp các tổ chức bên trong để đạt hiệu quả tinh gọn bộ máy.

Nhập, tách rồi lại nhập

Nên độc lập để hoạt động hiệu quả hay phải sáp nhập để tinh gọn bộ máy. Số phận pháp lý của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND cấp tỉnh một lần nữa lại được đặt lên bàn nghị sự. Mô hình tổ chức và hoạt động của mỗi chủ thể nhất định đều có những ưu điểm, khuyết điểm và các yếu tố đặc thù chi phối. Điều quan trọng là lựa chọn phương án tối ưu hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Một vị ĐBQH từng dùng câu nói “tách ra là để chuyên sâu, nhập vào là để giảm đầu mối đi” để dẫn chứng cho thực trạng, điệp khúc tách nhập, nhập tách vẫn tái diễn trong quá trình sắp xếp tổ chức một máy nhà nước. Nhìn lại các giai đoạn khác nhau về mô hình tham mưu, giúp việc cơ quan dân cử cấp tỉnh (Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH) dường như cái sự tách - nhập ấy đã thực hiện nhiều lần.

Đầu tiên là Văn phòng chung tham mưu, giúp việc HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH. Đến năm 2005, Văn phòng Đoàn ĐBQH được tách ra khỏi Văn phòng HĐND, UBND thành 1 tổ chức độc lập. Đến năm 2008, thực hiện theo Nghị quyết 545/2007/NQ-UBTVQH12 lại được sáp nhập với Văn phòng HĐND thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh với 4 phòng chuyên môn. Sau 8 năm, Văn phòng Đoàn ĐBQH lại được tái lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Văn phòng HĐND cũng trở thành một tổ chức hành chính độc lập theo Nghị định 48/2016/NĐ-CP của Chính phủ với 2 phòng chuyên môn.

Đến đầu năm 2019, một số tỉnh lại thực hiện thí điểm việc sáp nhập 3 văn phòng (Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND) theo chủ trương tinh gọn bộ máy. Sau hơn 1 năm thí điểm sáp nhập 3 văn phòng, việc nhập 2 văn phòng hay nên tổ chức 3 văn phòng độc lập vẫn chưa có kết luận chính thức. Nên như thế nào? Và vì sao vẫn là câu hỏi cần sự giải đáp thuyết phục với đầy đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn, bảo đảm hiệu quả hoạt động và hơn hết là tính ổn định lâu dài, phù hợp xu thế chung.

Đảng bộ Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 và sinh hoạt chuyên đề. Ảnh: Ánh Minh

Nếu sáp nhập

Nếu đề xuất của Chính phủ về việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND, giữ Văn phòng UBND độc lập sau thời gian thí điểm hợp nhất 3 văn phòng được chấp thuận sẽ đồng nghĩa với việc quay trở lại với mô hình đã từng được thực hiện suốt 8 năm (2008-2016). Liệu phương án này có hợp lý và hiệu quả?

Về mặt chức năng, Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tuy có chức năng tương đồng nhau, cùng tham mưu, phục vụ cơ quan dân cử, cơ quan giám sát nhưng sáp nhập như vừa qua hay theo định hướng hiện nay thì cũng không mấy hiệu quả. Thực tế sau 8 năm tổ chức theo mô hình văn phòng chung hoạt động của 2 bộ phận bên trong vẫn không mấy hài hòa. Phòng Công tác ĐBQH đảm nhận việc tham mưu nội dung cho Đoàn ĐBQH, nội dung của HĐND do Phòng Công tác HĐND thực hiện dẫu là giám sát hay quyết định, vì chủ thể để các đơn vị trực thuộc tham mưu khác nhau. Mặt khác, ĐBQH không chỉ đại diện cho cử tri của đơn vị bầu cử mà còn đại diện cho cử tri cả nước quyết định các vấn đề của toàn quốc. Đoàn ĐBQH không phải là cơ quan, tổ chức của địa phương. Do đó, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH cũng sẽ khác với nhiệm vụ của Văn phòng HĐND.

Về mặt thực tiễn, đặt ngược lại vấn đề vì sao sau 8 năm “chung nhà” lại độc lập. Bởi thực tế là đã nảy sinh không ít bất cập khi hoạt động với mô hình chung nhưng nguồn kinh phí hoạt động riêng, chưa kể chế độ định mức chi lại khác nhau dẫn đến thực trạng “một cơ quan hai chế độ”. Còn hoạt động, đâu phải cứ muốn lồng ghép giám sát hay tiếp xúc cử tri là được. Có khá nhiều lý do để đi đến quyết định chia tách thành 2 cơ quan độc lập vào năm 2016. Do vậy, nếu bàn lại chuyện nhập thì phải đi đôi với việc đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên.

Nên độc lập

Vì sao nên nhập, sáp nhập sẽ mang lại hiệu quả gì ngoài việc giảm đầu mối? Mô hình này có phải là tối ưu? Là một người đã từng làm việc trong Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND rồi đến Văn phòng HĐND độc lập, cá nhân tôi ủng hộ đề xuất tổ chức các văn phòng độc lập nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động, tiến đến chuyên nghiệp về lâu dài, thay vì sáp nhập mang tính cơ học.

Chủ trương nhất quán của Trung ương là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương này phải hướng đến và đạt được yêu cầu về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Mô hình tách - nhập các văn phòng này trong lịch sử đều đã cho thấy những bất cập. Vì vậy, để đạt được mục tiêu của Trung ương vừa tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, vừa bảo đảm sự vận hành trơn tru, hiệu quả của bộ máy, mỗi văn phòng cần độc lập và mạnh dạn sắp xếp các tổ chức bên trong để đạt hiệu quả tinh gọn bộ máy.

Về mặt tổng thể, cần nghiên cứu, có đề án sắp xếp, tổ chức lại toàn diện, thống nhất cơ cấu tổ chức của toàn bộ hệ thống các cơ quan tham mưu, giúp việc chính quyền địa phương, chứ không chỉ thực hiện đối với mỗi Văn phòng HĐND cấp tỉnh như tinh thần Nghị định 48/2016/NĐ-CP.

Cụ thể hơn, cần xem xét lại Văn phòng UBND có nhất thiết tổ chức đến 10 phòng trực thuộc (theo Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-VPCP-BNV ngày 23.10.2015 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ), hay xem xét giao khung, định mức biên chế công chức Văn phòng HĐND cấp tỉnh theo số lượng đại biểu HĐND tỉnh được bầu và tỷ lệ đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách để áp dụng thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu. Hiện nay, biên chế tham mưu, phục vụ hoạt động HĐND tỉnh có tỉnh được giao 52 chỉ tiêu, có tỉnh chỉ có 16 chỉ tiêu. Đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH, cần đánh giá hiệu quả hoạt động theo hình thức tham mưu trực tuyến, không tổ chức các phòng trực thuộc…

Độc lập hay sáp nhập không đơn thuần là việc thay đổi về tổ chức bộ máy, không đơn thuần là phép cộng, gộp hai cơ quan thành một. Lựa chọn phương án tối ưu và hiệu quả đang được đặt lên vai những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm.

Nguồn: (http://daibieunhandan.vn)