Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND cấp tỉnh: Độc lập hay sáp nhập? Ổn định để chuyên nghiệp, chuyên sâu

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND cấp tỉnh: Độc lập hay sáp nhập? Ổn định để chuyên nghiệp, chuyên sâu

Thí điểm chưa được thì dừng lại, dừng lại với điều đã có, đã tốt để ổn định tổ chức, bộ máy; ổn định tư tưởng cho cán bộ, chuyên viên các văn phòng. Có như thế anh em trong cơ quan mới yên tâm học hỏi, rèn luyện phấn đấu trở thành những cán bộ, chuyên viên chuyên sâu, chuyên nghiệp. Đó là điều cần thiết để xây dựng văn phòng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu tham mưu, phục vụ ngày càng tốt hơn.

Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND đã nhiều lần tách, nhập nên cũng đã nhiều lần bàn thảo quyết liệt đến mô hình các văn phòng. Nay Chính phủ báo cáo đánh giá thí điểm hợp nhất 3 văn phòng và kiến nghị: Văn phòng UBND riêng; hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND nên lại rộ lên nhiều ý kiến khác nhau.

Nên đánh giá toàn diện

Thực hiện Nghị quyết số: 545/2007/NQ-UBTVQH 12, các địa phương đã đồng loạt thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Quá trình thực hiện văn phòng đã giảm biên chế, củng cố tổ chức, quan tâm về trình độ chuyên môn, bảo đảm tham mưu, phục vụ tốt hoạt động của ĐBQH, đại biểu HĐND. Mối quan hệ của Đoàn ĐBQH với HĐND ngày càng chặt chẽ. ĐBQH, nhất là đại biểu ở địa bàn tham gia hoạt động với các cơ quan của HĐND thường xuyên, có những đóng góp tích cực giúp cho đại biểu HĐND tăng cường kỹ năng trong mọi hoạt động. Có thể nói, đây là mô hình rất phù hợp và tối ưu lúc bấy giờ. Nhưng luật pháp có nhiều thay đổi theo chiều hướng tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan dân cử. Đặc biệt, chính quyền địa phương ngày càng được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13. Đây là lần thứ 2 thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH riêng, trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hoạt động cho đến ngày nay.

Khi tách từ văn phòng chung để thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH, số lượng cán bộ, chuyên viên nhìn chung không tăng, bảo đảm theo quy định của Văn phòng Quốc hội; chỉ có việc bổ nhiệm mới Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH. Từ khi thành lập đến nay, Văn phòng Đoàn ĐBQH đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định tổ chức, triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định... Song khi hình thành Văn phòng Đoàn ĐBQH, nhiều cơ quan, đơn vị ở địa phương chưa hiểu hết nên mối quan hệ có phần giảm sút. Công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt cán bộ trong văn phòng có phần hạn chế; có lúc anh em cảm giác đơn lẻ, lúng túng.

Nếu nói tách Văn phòng HĐND làm phình bộ máy, tăng biên chế thì chưa chính xác! Bộ máy là việc chung, riêng địa phương thì không tăng. Còn biên chế tăng hay giảm do quy định chưa chặt chẽ của trên và sự vận dụng tùy tiện từng lúc, từng nơi. Bởi cùng thời điểm, chung một quy định mà các địa phương có quy mô dân số, đất đai, vùng, miền tương ứng, nhưng biên chế Văn phòng HĐND chênh nhau đến khoảng 10 người!

Khi có chủ trương tách Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND nhanh chóng ổn định, sắp xếp lại bộ máy và nhìn chung đều không tăng biên chế. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, chuyên viên văn phòng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Lúc tách Văn phòng Đoàn ĐBQH vào thời điểm Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, với những thay đổi rất cơ bản cơ quan HĐND. Số lượng Thường trực HĐND, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tăng hơn gấp đôi; vị trí, vai trò của HĐND được nâng cao; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND được mở rộng.

Đặc biệt, Chánh Văn phòng HĐND phải là đại biểu HĐND và thường cấp ủy Đảng cùng cấp để tham gia Thường trực HĐND. Vị thế, Văn phòng HĐND ngày càng được nâng cao trong hệ thống chính trị ở địa phương. Có thể khẳng định: Tách Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND vẫn vững vàng, ổn định biên chế và được củng cố chất lượng để đáp ứng công tác tham mưu, phục vụ HĐND. Trong lúc yêu cầu tham mưu, giúp việc cho nhiều lãnh đạo hơn, đối tượng phục vụ đa dạng hơn, Văn phòng HĐND luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Bình quyết định nhiều nội dung quan trọng - Ảnh: Trần Thu

Để ổn định lâu dài

Chính phủ đánh giá, rồi kiến nghị Văn phòng UBND riêng, như vậy: Một chính quyền nhưng văn phòng ở hai nơi thì chưa khách quan và biện chứng! Còn Văn phòng Đoàn ĐBQH sáp nhập với Văn phòng HĐND thì: Cơ quan Trung ương ghép với cơ quan địa phương nghe chưa thuyết phục! Nếu giảm bộ máy, để giảm được một Chánh Văn phòng thì quá đơn giản cho việc sáp nhập. Có thể tăng một Chánh Văn phòng, nhưng sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan khoa học, hợp lý, tiến đến áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin để giảm đi nhiều biên chế mà hiệu quả công việc sẽ cao hơn, chắc tối ưu hơn nhiều.

Đó là chưa tính, sắp đến Quốc hội sẽ tăng đại biểu chuyên trách lên hơn 5%, yêu cầu phục vụ cho ĐBQH nhiều hơn. Hoạt động của Quốc hội sau dịch bệnh Covid-19 đi vào trực tuyến sẽ nhiều hơn, rất cần đến sự phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH, nhất là công tác giúp việc từ xa. Chắc chắn các ĐBQH khóa tới mong muốn Văn phòng Đoàn ĐBQH thường xuyên ổn định, củng cố và phát triển hơn nữa. Còn HĐND đã ngán ngẩm với nhiều lần tách, nhập nên không muốn đến việc nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH vào lần nữa, để rồi: "Việc ai nấy làm, tiền ai nấy tiêu".

Khi Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND vẫn giữ nguyên bởi thí điểm hợp nhất 3 văn phòng dừng lại, mỗi văn phòng yên tâm, tự mình ổn định để tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên viên. Điều quan trọng hiện nay không phải chập chờn đến việc nhập, tách văn phòng mà cán bộ, chuyên viên phải suy nghĩ, học hỏi để nâng cao trình độ, nhất là kỹ năng về công nghệ thông tin để phục vụ ĐBQH, đại biểu HĐND mọi lúc, mọi nơi. Điều cốt lõi, cần thiết hơn, cán bộ có quyền hạn, đừng tư duy nhiệm kỳ, tăng biên chế tùy tiện không cần thiết để sau này khỏi bàn đến tinh giản bộ máy, cơ quan.

Văn phòng Đoàn ĐBQH không chỉ đơn thuần tham mưu, phục vụ ĐBQH tại kỳ họp, về giám sát hay TXCT tại địa phương mà có thể giúp ĐBQH trong mọi hoạt động. Qua công nghệ thông tin, văn phòng có thể cung cấp tình hình địa phương; ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi ứng cử cho ĐBQH để có thông tin từ cơ sở khi tham gia thẩm tra các dự án luật hoặc hoạt động giám sát. Văn phòng Đoàn ĐBQH còn phải tăng cường các mối quan hệ với địa phương để khẳng định mình, một thực thể quan trọng hiện hữu ở địa phương.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn