Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh: Vừa kế thừa, vừa tinh giản bộ máy

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh: Vừa kế thừa, vừa tinh giản bộ máy

Xác định địa vị pháp lý là một cơ quan hành chính nhưng có cơ chế hoạt động đặc thù; xây dựng mô hình vừa bảo đảm tính kế thừa các giá trị ưu việt tại các văn bản pháp luật về cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh trước đó, vừa bảo đảm thực hiện các chủ trương của Đảng về tinh giản bộ máy; xác định số lượng biên chế căn cứ vào số lượng đại biểu HĐND; tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ… là những vấn đề đặt ra để hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy tham mưu, phục vụ HĐND cấp tỉnh.

Dù là một thiết chế độc lập hay tổ chức chung cùng với một chủ thể khác thì việc xác định địa vị pháp lý bộ máy giúp việc của HĐND là cơ quan hành chính nhưng có cơ chế hoạt động đặc thù tương ứng với tính đặc thù của đối tượng được tham mưu, phục vụ là cơ quan dân cử. Đây là nhiệm vụ trước tiên trong quá trình hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc của HĐND. Từ đó sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan ở địa phương và Trung ương trong quan hệ phối hợp giúp việc hoạt động của HĐND. Đồng thời, giải quyết được các vấn đề về tổ chức và hoạt động nội bộ của HĐND với bộ máy giúp việc như mối quan hệ công tác giữa Thường trực, Trưởng Ban HĐND và người đứng đầu cơ quan giúp việc của HĐND trong tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động của Thường trực, các Ban HĐND.

Thiết kế theo mô hình có 4 phòng

Để chất lượng tham mưu đối với hoạt động của HĐND có hiệu quả, giải pháp đầu tiên là tăng cường bộ máy và nhân sự giúp việc cho HĐND. Cần quy định mô hình bộ máy giúp việc của HĐND trong cả nước về: Cơ cấu tổ chức, định mức biên chế tối đa, tối thiểu, số lượng lãnh đạo, số lượng các phòng chuyên môn.

Trong bối cảnh bộ máy giúp việc của HĐND sẽ là một bộ phận trong Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND và thực hiện các chủ trương của Đảng, nên thiết kế theo mô hình có 4 phòng và bảo đảm sự thống nhất chung trong cả nước, bao gồm: 1 phòng giúp việc cho Đoàn ĐBQH, 1 phòng giúp việc cho Thường trực HĐND và 1 phòng giúp việc cho các Ban của HĐND, 1 phòng phục vụ các hoạt động chung của Đoàn ĐBQH và HĐND như tiếp công dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, thông tin tuyên truyền về hoạt động dân cử tại địa phương. Trong phòng giúp việc cho các Ban của HĐND, phân công cho chuyên viên theo lĩnh vực hoạt động của từng ban. Các hoạt động về tổ chức, hành chính, quản trị không thành lập phòng mà giao cho 1 lãnh đạo Văn phòng phụ trách trực tiếp. Mô hình này vừa bảo đảm tính kế thừa về các giá trị ưu việt tại các văn bản pháp luật về cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh trước đó, vừa bảo đảm thực hiện các chủ trương của Đảng về tinh giản bộ máy.

Xác định biên chế, tăng cường chất lượng cán bộ

Để bảo đảm sự thống nhất về tổ chức bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh, cần xác định số lượng biên chế căn cứ vào số đại biểu HĐND. Dù bộ máy giúp việc của HĐND có được sửa đổi theo mô hình nào thì cũng cần có nguyên tắc trong việc ấn định số biên chế, ngoài các tiêu chí về đề án vị trí việc làm, tổng biên chế của địa phương thì khi xác định số lượng biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cũng cần phải căn cứ vào số lượng đại biểu HĐND.

Bên cạnh đó, việc thu hút được những người có trình độ chuyên môn trong bộ máy giúp việc của HĐND là vấn đề quan trọng, cần được quan tâm đúng mức và nhận thức đúng đắn của những người quản lý, tuyển dụng nhân sự. Muốn như vậy, cần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, phải có chế độ, chính sách thu hút đặc thù, được bảo đảm về điều kiện công tác, cơ hội phát triển theo quy hoạch cán bộ của địa phương... Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, công chức.

Đổi mới về hoạt động

Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan giúp việc HĐND đáp ứng yêu cầu hoạt động của HĐND theo tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, cần xác định chức năng chính của bộ máy giúp việc của HĐND vừa là cơ quan tham mưu, vừa là cơ quan phục vụ. Trên cơ sở đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc HĐND cho phù hợp từng lĩnh vực công tác. Cần xác định rõ phạm vi (hay giới hạn trách nhiệm) của bộ máy giúp việc của HĐND trong các hoạt động của HĐND.

Hoạt động của HĐND là một chuỗi các hoạt động của nhiều chủ thể thực hiện, nhưng đều hướng tới mục đích cuối cùng là bảo đảm việc thực hiện các chính sách pháp luật ở địa phương và ban hành các nghị quyết để quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Ngoài ra, mỗi một chủ thể của HĐND lại có những hoạt động cụ thể. Vì vậy, cần phân định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc đối với từng chủ thể phục vụ để tránh trường hợp hoặc “thừa” hoặc “thiếu” trong tham mưu, phục vụ.

Thống nhất một nguồn hưởng lương cho cán bộ, công chức

Một trong những bất cập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND gặp phải khi thực hiện theo Nghị quyết 545 là kinh phí hoạt động từ hai nguồn khác nhau. Do vậy, quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về văn phòng chung cần khắc phục bất cập này. Trước hết, cần thống nhất một nguồn hưởng lương cho cán bộ, công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Tiếp đến, xác định kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất của cả văn phòng và kinh phí hoạt động của HĐND là nguồn kinh phí địa phương. Đối với các hoạt động mang tính đặc thù của Đoàn ĐBQH để phục vụ nhiệm vụ của Quốc hội thì sử dụng kinh phí của trung ương.

Khi thực hiện theo Nghị quyết 48, Văn phòng HĐND được cấp kinh phí trong tổng kinh phí hoạt hoạt động của HĐND. Mọi dự toán các mục chi chủ yếu phục vụ hoạt động của HĐND. Trong thực tế hoạt động, khó có sự phân chia nội dung chi nào là của HĐND hay của Văn phòng HĐND. Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13.5.2016 quy định về chế độ chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND có giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Theo thông lệ của các nhiệm kỳ trước, quá trình chờ Chính phủ hướng dẫn cụ thể, HĐND cấp tỉnh các địa phương đã ban hành Nghị quyết về chế độ chi tiêu của HĐND. Tuy nhiên, không có mục chi nào quy định về việc chi cho bộ máy giúp việc. Khi đã xác định tính pháp nhân của cơ quan giúp việc, có con dấu (dù là mô hình chung hay riêng) thì đều cần quy định Chánh văn phòng là chủ tài khoản và quy định chi tiết những nội dung chi nào thuộc quyền tự chủ của Văn phòng do Chánh Văn phòng tự quyết.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân