Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Đã hứa, phải thực hiện

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Đã hứa, phải thực hiện

Kỷ cương và hành động là một thông điệp hết sức ngắn gọn, nhưng lại hàm chứa rất nhiều công việc phải làm. Và những công việc phải làm thì đầy khó khăn, thách thức.

Trước hết là về kỷ cương. Kỷ cương là những phép tắc của một quốc gia nhằm bảo đảm cho trật tự xã hội mà quốc gia đó lựa chọn được xác lập và duy trì. Nói theo ngôn từ hiện đại thì kỷ cương chính là pháp luật của một quốc gia ở cả hai nghĩa: (1). Các quy phạm pháp luật; (2). Việc thực thi các quy phạm pháp luật đó.

Các quy phạm pháp luật chính là phép tắc của quốc gia. Vì vậy, muốn xác lập kỷ cương phải xây dựng được hệ thống các quy phạm pháp luật này. Vấn đề là chúng ta phải đánh giá cho được hệ thống các quy phạm pháp luật hiện hành, trên cơ sở đó mà định hướng cho hoạt động lập pháp cả của Chính phủ và cả của Quốc hội. Câu hỏi trung tâm ở đây phải là: Tại sao pháp luật của chúng ta ngày càng nhiều, mà kỷ cương của chúng ta lại ngày càng lỏng lẻo? Rõ ràng, không có một nghiên cứu công phu và khoa học, chúng ta không thể trả lời chính xác câu hỏi này.

Tuy nhiên, một hệ thống pháp luật sẽ rất khó được thực thi nếu chất lượng của các quy phạm thấp: Hoặc là chúng ta quy định những điều nằm ngoài khả năng tuân thủ của người dân, hoặc là chúng ta quy định những điều nằm ngoài khả năng áp đặt việc tuân thủ của chính quyền. Ngoài ra, lạm dụng việc điều chỉnh cũng sẽ gây ra sự lạm phát về các quy phạm pháp luật. Sự lạm phát này đến lượt mình lại làm cho chi phí tuân thủ và chi phí áp đặt việc tuân thủ bị đẩy lên cao. Hậu quả là cả người dân, lẫn chính quyền đều không có đủ các nguồn lực để thực thi pháp luật. Mà như vậy thì kỷ cương rất khó có thể được xác lập và duy trì.

Như vậy, muốn có kỷ cương, trước hết, chúng ta cần cải cách hoạt động lập pháp. Và nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là: “Cải cách thể chế, cải cách thể chế và cải cách thể chế!”. Mỗi thể chế là một loại khuôn mẫu cho các hành vi được pháp luật điều chỉnh. Các khuôn mẫu hành vi này có thể tạo ra sự hợp lý và hiệu quả, nhưng cũng có thể gây ra sự rối loạn và ách tắc. Vấn đề là các nhà lập pháp phải hiểu được điều này và phải có đủ năng lực để sáng tạo ra các quy phạm pháp luật vừa bảo đảm hiệu quả, vừa bảo đảm sự hài hòa và công lý.

Tuy nhiên, xây dựng được một hệ thống các quy phạm pháp luật tốt mới chỉ là một nửa của vấn đề, một nửa còn lại chính là khả năng thực thi các quy phạm pháp luật đó. Pháp luật chỉ tốt ngang bằng với việc nó được thực thi như thế nào trong cuộc sống. Và cái sự ngang bằng này có vẻ như đang làm cho rất nhiều cố gắng và thành tựu của chúng ta trong lĩnh vực lập pháp trở nên ít có ý nghĩa.

Thực thi pháp luật quả thực là khâu yếu trong nền quản trị của chúng ta. Đây là một khâu yếu kép: Yếu cả trong việc tuân thủ và yếu cả trong việc áp đặt sự tuân thủ. Chúng ta ai cũng biết pháp luật cấm những người tham gia giao thông vượt đèn vàng, nhưng nếu không có cảnh sát giao thông thì không chỉ đèn vàng, mà đèn đỏ cũng sẽ bị vượt. Điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của chúng ta nói chung còn rất hạn chế. Mà thiếu ý thức pháp luật thì gần như không thể xác lập được kỷ cương. Suy cho cùng, chúng ta không thể nào có đủ nhân lực và tài lực để bố trí cảnh sát trong mọi lúc, mọi nơi.

Như vậy, giáo dục ý thức pháp luật phải là một nội dung quan trọng của việc bảo đảm kỷ cương. Đây phải là công việc thường xuyên của nhà trường, các cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội như Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên… Ngoài ra, để giáo dục ý thức pháp luật thì sự nêu gương của các cơ quan công quyền là rất quan trọng. Các quan chức phải chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh nhất trước khi đòi hỏi người dân phải làm như vậy.

Ngoài ra, các cơ quan quyền lực công còn cần phải được phân định rõ ràng thành hai loại: Loại làm chính sách, pháp luật và loại thực thi chính sách, pháp luật. Năng lực của các loại cơ quan này là khác nhau. Năng lực thực thi pháp luật là đòi hỏi bắt buộc đối với loại cơ quan thứ hai. Ở đây, các cơ quan thực thi pháp luật phải có đủ cả năng lực tuân thủ (những quy phạm mà pháp luật áp đặt cho các cơ quan nhà nước) và năng lực áp đặt sự tuân thủ. Một kế hoạch bài bản để xây dựng và nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật là rất cần thiết cho việc bảo đảm kỷ cương.

Hai là về hành động. Hành động là cái thể hiện ra bên ngoài của tất cả các phẩm chất và các mục tiêu mà một Chính phủ theo đuổi từ việc xác lập kỷ cương, đến việc kiến tạo phát triển. Khi nói tới hành động, chúng ta hiểu rằng lời nói phải đi đôi với việc làm. Thậm chí chúng ta hiểu rằng nói ít mà làm phải nhiều. Hơn thế nữa, khi nói tới hành động, chúng ta hiểu những gì đã hứa với quốc dân, đồng bào thì sẽ phải được thực hiện.

Hành động vì vậy rất quan trọng. Điều chúng ta mong muốn ở đây chỉ là: Phải hành động một cách chuyên nghiệp nhất. Bởi vì rằng nếu chỉ có sự quyết liệt và hăng hái không thôi, thì công việc chưa chắc đã được giải quyết, mà mọi chuyện lại có thể rối tinh, rối mù lên.

Nguồn: (http://daibieunhandan.vn)