Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức, viên chức: các cơ quan phải xây dựng tiêu chí năng lực phù hợp với từng vị trí việc làm

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức, viên chức: các cơ quan phải xây dựng tiêu chí năng lực phù hợp với từng vị trí việc làm

Để loại bỏ yêu cầu công chức, viên chức phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm: Các cơ quan phải xây dựng tiêu chí, yêu cầu cụ thể về trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học sát với từng vị trí, việc làm của công chức, viên chức.

Đại diện Bộ Nội vụ vừa cho biết đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Theo đó, dự thảo không đưa chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng. Điểm mới của dự thảo Thông tư cũng đề cập những trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn tại các cơ sở đào tạo đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học (ví dụ tốt nghiệp đại học phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3), tương ứng với yêu cầu tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng thì công chức được sử dụng bằng tốt nghiệp đó thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Ngoài ra, đại diện Bộ Nội vụ cũng cho biết, dự thảo Thông tư lần này bỏ các điều kiện chứng chỉ không có nghĩa là công chức, viên chức không cần trình độ ngoại ngữ, tin học. Tùy từng vị trí việc làm, các cơ quan sẽ xây dựng tiêu chí, yêu cầu tương ứng.

Khi được ban hành, dự thảo Thông tư nêu trên sẽ áp dụng với công chức ngạch hành chính từ cấp huyện trở lên và viên chức lưu trữ. Còn công chức, viên chức ngạch khác thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan quản lý chuyên ngành nên các cơ quan này sẽ ban hành quy định cụ thể.

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Phóng viên: Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Theo đó, dự thảo không đưa chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng. Từ trước tới nay, cán bộ công chức muốn được thăng hạng hay bổ nhiệm vào vị trí, chức vụ cao hơn đều phải tích luỹ đủ tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ. Dư luận xã hội cho rằng dự thảo Thông tư đang được Bộ Nội vụ xây dựng sẽ là tiền đề để góp phần hạn chế tình trạng chạy đua với bằng cấp. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi hoàn toàn ủng hộ việc không đưa chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng như trong dự thảo Thông tư của Bộ Nội vụ. Đây thực sự là tin vui, đáp ứng nguyện vọng của đa số cán bộ, công chức, viên chức vì trên thực tế, yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học  trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức đã gây ra khá nhiều phiền phức. Dù  các loại chứng chỉ này nhiều khi chỉ là yêu cầu về mặt hồ sơ, rất ít vị trí cần sử dụng thực chất, nhưng đã là điều kiện bắt buộc thì phải có. Do vậy mới dẫn tới tình trạng đua nhau đi học để tích luỹ chứng chỉ, thậm chí mua bán bằng cấp, chứng chỉ để đối phó, rất tốn kém về tiền của, công sức, thời gian và cũng rất hình thức.  

Quy định trên cũng chính là nhằm cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn, đó là “phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi tuyển, xét nâng ngạch công chức, viên chức”. Do vậy, chắc chắn sẽ được dư luận xã hội ủng hộ, góp phần hạn chế tình trạng chạy đua với bằng cấp.

Thực tế vừa qua, trong tháng 2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chùm bốn Thông tư 01, 02, 03, 04, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông công lập. Theo đó, Bộ đã không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong quá trình tuyển dung, nâng ngạch, thăng hạng. Đây là tin vui đối với giáo viên.

Cần kiểm soát tốt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp

Phóng viên: Theo dự thảo Thông tư mới, những trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn tại các cơ sở đào tạo đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học (ví dụ tốt nghiệp đại học phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3), tương ứng với yêu cầu tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng thì công chức được sử dụng bằng tốt nghiệp đó thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Đại biểu đánh giá như thế nào về quy định này?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Như đã nêu ở trên, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hầu như đang được dùng làm điều kiện để nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức; không phải vị trí việc làm nào cũng yêu cầu sử dụng năng lực ngoại ngữ, tin học. Do đó, việc cho phép sử dụng bằng tốt nghiệp chuyên môn, trong đó có đào tạo liên quan liên quan đến ngoại ngữ, tin học để thay thế cho các loại chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học là hoàn toàn hợp lý. Quy định như vậy vừa giản lược thủ tục hành chính; vừa tránh lãng phí về thời gian, công sức, tiền của cho công chức, viên chức.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc dùng bằng tốt nghiệp chuyên môn tại các cơ sở đào tạo đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học thay thế cho chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, yêu cầu đặt ra là cần đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình trong  xây dựng chương trình ngoại ngữ, tin học và kiểm soát tốt chất lượng đầu ra. Làm sao để chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học vừa tương ứng với các trình độ khác nhau, vừa phù hợp với từng chuyên ngành, từng vị trí việc làm. Tức là tuỳ theo từng chuyên ngành để xác định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học. Như vậy mới có thể yên tâm với quy định cho phép sử dụng bằng đào tạo chuyên môn thay thế cho các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; và mới có được lực lượng cán bộ công chức, viên chức đủ trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Từng cơ quan phải xây dựng yêu cầu cụ thể về trình độ ngoại ngữ, tin học cụ thể với từng vị trí việc làm của công chức, viên chức

Phóng viên: Thưa đại biểu, theo dự thảo Thông tư thì tùy từng vị trí việc làm, các cơ quan sẽ xây dựng điều kiện tương ứng về việc xác định khả năng đáp ứng trình độ ngoại ngữ, tin học của công chức, viên chức. Vậy quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thời gian qua, việc áp quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho tất cả các công chức, viên chức dẫn tới nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chỉ tập trung tích lũy các loại chứng chỉ này để nhằm vào mục tiêu đủ điều kiện nâng ngạch, thăng hạng; ít quan tâm tới hiệu quả sử dụng. Ngược lại, có những vị trí việc làm rất cần trình độ ngoại ngữ, tin học thực chất, không phải chỉ trình đủ bằng cấp, chứng chỉ là được. Đó là sự lãng phí, sự bất hợp lý của việc chạy theo tiêu chí bằng cấp.

Như vậy, quy định giao cho các cơ quan xây dựng điều kiện tương ứng về khả năng đáp ứng trình độ ngoại ngữ, tin học của công chức, viên chức như trong dự thảo Thông tư là hoàn toàn hợp lý, hướng tới nâng cao năng lực về ngoại ngữ, tin học một cách thực chất, đáp ứng được yêu cầu của từng vị trí việc làm. Muốn vậy, cần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan tuyển dụng, sử dụng lao động trong việc xác định trình độ ngoại ngữ, tin học cho nhân viên theo từng vị trí việc làm một cách thiết thực, hiệu quả.

Mặt khác, tôi cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thời đại công nghệ 4.0 này, tuỳ vị trí việc làm, bản thân từng cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ có nhu cầu tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học. Lúc đó thì các loại chứng chỉ giấy sẽ không còn ý nghĩa.

Một điều cần quan tâm nữa là cùng với Thông tư nói trên, Bộ Nội vụ cần có sự  phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, thay thế những quy định không phù hợp cũng như bổ sung những quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!/.

(Nguồn: quochoi.vn)