Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Thực hiện lời hứa với cử tri: Danh dự và lòng tự trọng

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Thực hiện lời hứa với cử tri: Danh dự và lòng tự trọng

“Nói chín thì phải làm mười – Nói mười làm chín kẻ cười, người chê”. Lời nhắc nhở của cử tri rất nhẹ nhàng nhưng cũng đã làm tôi giật mình, phải soi lại nội dung lời hứa. Và suốt nhiệm kỳ của mình, tôi luôn tâm niệm về trách nhiệm thực hiện lời hứa của mình trước cử tri, có kế hoạch để cụ thể hóa lời hứa thành những viêc làm; thực hiện lời hứa là trách nhiệm đối với cử tri, nhưng cũng là danh dự và lòng tự trọng của đại biểu; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ về chương trình hành động của mình.

- Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Bà chia sẻ điều gì về lời hứa đã đưa ra trước cử tri nơi mình ứng cử?

Tôi nhận thức rằng chương trình hành động và lời hứa trước cử tri nơi mình ứng cử có ý nghĩa rất lớn. Ý nghĩa không chỉ vì đây là căn cứ để cử tri lựa chọn, bầu cho mình mà quan trọng hơn, đây là cơ sở để người đại biểu xác định nhiệm vụ của mình trong suốt nhiệm kỳ. Tức là yêu cầu hứa được thì phải làm được, tránh hứa quá nhiều, hứa suông. Muốn vậy, lời hứa phải cụ thể, bảo đảm các tiêu chí “đúng”, “trúng” và “khả thi”. Đó là phải “đúng” chức năng, nhiệm vụ đại biểu; phải “trúng” ý nguyện của cử tri; và phải “khả thi”, phù hợp với vị trí công tác của mình để có thể thực hiện được.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Thị Mai Hoa

Thực hiện lời hứa là trách nhiệm đối với cử tri, nhưng cũng là danh dự và lòng tự trọng của đại biểu. Tôi còn nhớ, trong buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử hồi tháng 5 năm 2016, một chú cử tri xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã bày tỏ mong muốn về việc đại biểu cần thực hiện chương trình hành động bằng câu ca dao: “Nói chín thì phải làm mười – Nói mười làm chín kẻ cười, người chê”. Lời nhắc nhở của chú rất nhẹ nhàng nhưng cũng đã làm tôi giật mình, phải soi lại nội dung lời hứa. Và suốt nhiệm kỳ của mình, tôi luôn tâm niệm về trách nhiệm thực hiện lời hứa của mình trước cử tri, có kế hoạch để cụ thể hóa lời hứa thành những viêc làm cụ thể, cố gắng tròn vai đại diện cho cử tri để khỏi bị “kẻ cười, người chê”. Đặc biệt, tại diễn đàn Quốc hội, tôi đã cố gắng gửi gắm được tâm tư, nguyện vọng của cử tri Đồng Tháp; đã từ thực tiễn của Đồng Tháp để đóng góp, xây dựng chính sách, luật pháp và tham gia quyết định các vấn đề lớn của đất nước.

 - Còn điều gì đến nay mà đại biểu thấy mình chưa làm được còn ‘‘nợ’’ cử tri? Thưa bà?

“Nợ” cử tri dường như là tâm trạng chung của đại biểu chúng tôi khi nhìn lại một nhiệm kỳ hoạt động. Là đại biểu quốc hội, chúng tôi tập trung thời gian chính vào các hoạt động lập pháp, giám sát; và sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là số lượng đơn thư, kiến nghị gửi tới các bộ ngành chức năng; là hệ thống các dự án luật được thông qua; là các kiến nghị được đặt ra sau giám sát … Trong khi đó, nguyện vọng của cử tri thì rất cụ thể, cấp bách, chẳng hạn như đề xuất Chính phủ bố trí ngân sách nâng cấp giao thông hoặc phòng chống biến đổi khí hậu; mong muốn tăng mức phụ cấp chính sách cho một nhóm đối tượng v.v… Nếu tính từ thời điểm đại biểu tổng hợp ý kiến, đề xuất cho tới khi có được chính sách ban hành thì cần phải có thời gian 5 năm, 10 năm; tức là nếu xem xét hiệu quả tác động cụ thể trong nhiệm kỳ thì đúng là đại biểu vẫn còn “nợ” cử tri rất nhiều. Do vậy, điều tôi muốn nói ở đây là thời gian một nhiệm kỳ qua đi rất nhanh, nếu không cố gắng thì khó thực hiện lời hứa. Tuy nhiên, cũng xin nói thêm là để đánh giá việc đại biểu thực hiện lời hứa có khi phải chấp nhận một độ trễ nhất định, không thể ngày một ngày hai.

- Qua 5 năm nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, những dấu ấn nào để lại cho đại biểu nhiều cảm xúc? Thưa đại biểu?

Là đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm vụ chính của chúng tôi là thực hiện các chức năng đại diện, lập pháp và giám sát. Các công việc đều phải thể hiện rõ vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Khi tham gia một đoàn giám sát, thẩm tra một dự án luật, hay việc phát biểu ý kiến trên các diễn đàn, tôi đều ý thức rất rõ tầm quan trọng của công việc mình đang làm, và cũng hiểu rằng mình đang chịu sự giám sát của cử tri. Sự phản ứng của cử tri và xã hội mỗi khi có một chính sách hay một dự án luật được thông qua, hoặc một hoạt động giám sát vừa hoàn thành chính là thước đo hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do vậy, rất cần lắng nghe ý kiến cử tri, và cũng cần được cử tri đồng tình, ủng hộ.

Chẳng hạn như việc Quốc hội thông qua dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định đề nghị cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Đây là một quyết định hết sức khó khăn, vì rượu bia không chỉ là thức uống mà còn là văn hoá, là nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân, có sự ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Ngay cả trong đại biểu quốc hội cũng còn có hai luồng ý kiến khác nhau, một bên đề nghị giữ như luật hiện hành, một bên ủng hộ việc bổ sung quy định mới; do vậy, khi biểu quyết thông qua điều luật có quy định này, mọi người hồi hộp, và khi con số tỷ lệ trên bảng kiểm phiếu điện tử đạt đến mốc 50% đại biểu tán thành bổ sung quy định mới thì cả hội trường đồng loạt vỗ tay (điều chưa thấy khi thông qua các dự án luật khác). Rất mừng là dư luận xã hội và cử tri rất đồng tình, ủng hộ quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc hạn chế rượu bia để góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.

- Làm thế nào để cử tri có thể đánh giá chương trình hành động của đại biểu, thưa bà?

Về mặt lý thuyết thì viêc cử tri lựa chọn đại biểu thường dựa trên việc xem xét chương trình hành động và lời hứa của các ứng cử viên trong khi vận động bầu cử. Nội dung chương trình hành động và lời hứa ấy được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như được các ứng cử viên trình bày trong các cuộc tiếp xúc cử tri theo luật định. Để đánh giá kết quả thực hiện dung chương trình hành động và lời hứa của các đại biểu, cử tri chỉ cần xem xét việc cụ thể hóa chương trình hành động của đại biểu, cụ thể là cách thức mà đại biểu ấy duy trì mối quan hệ với cử tri, lắng nghe, tiếp nhận và phản ánh ý kiến cử tri; là những hoạt động của đại biểu tại nghị trường cũng như quá trình tham gia giám sát và kiến nghị sau giám sát; là tầm ảnh hưởng của đại biểu đối với địa phương, đối với xã hội; là những đóng góp cụ thể của đại biểu trong từng lĩnh vực công tác.

- Những nội dung nào được đại biểu đưa vào chương trình hành động trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV này? Thưa đại biểu?

Nếu được cử tri tín nhiệm, bầu làm đại biểu quốc hội khoá XV, tôi sẽ có cơ hội tiếp tục thực hiện những điều còn trăn trở, những kỳ vọng chưa thực hiện được, hoàn thành lời hứa còn “nợ” đối với cử tri. Chẳng hạn như làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa cử tri Đồng Tháp với Quốc hội; tích cực đóng góp, xây dựng luật cũng như tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Là đại biểu nữ từng công tác tại Hội LHPN Việt Nam, và đang là thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, tôi sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách về đổi mới giáo dục; chính sách cho phụ nữ và trẻ em.

Xin trân trọng cảm ơn bà !                               

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)