Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Sửa Luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Sửa Luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn

Giới chuyên gia cho rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2011 hiện bộc lộ nhiều điểm hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, cần được sửa đổi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.

"Ngại tố cáo" vi phạm

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ hàng hóa nhập lậu, giả, nhái thương hiệu. Đơn cử, ngày 11.3, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ 300.000 sản phẩm thuốc chưa rõ công dụng đóng trong túi nilon có nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc. Ngày 17.3, Tổng cục Quản lý thị trường triệt phá kho hàng giả với khoảng 30.000 sản phẩm vi phạm chủ yếu là túi nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel... tại tỉnh Nam Định…

Cần thiết sửa Luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.   Nguồn: ITN

Hàng giả, hàng nhập lậu diễn biến phức tạp không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. 

Năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) tiếp nhận hơn 14.000 phản ánh, khiếu nại, yêu cầu tư vấn từ người tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực. Dù số phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về những vi phạm quyền lợi tăng gấp 3 lần so với những năm trước, nhưng lại có đến 44% số người từng bị xâm phạm quyền lợi chọn phương án im lặng không tố hoặc bỏ qua vụ việc.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho rằng, người tiêu dùng nước ta, nhất là ở nông thôn, miền núi… thường có tâm lý e ngại kiện cáo. Hơn nữa, giá trị hàng hóa, dịch vụ không lớn cũng dễ làm người tiêu dùng "bỏ qua". Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng về khiếu nại tố cáo cũng chưa đầy đủ và hệ thống hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương vừa mỏng, vừa thiếu chuyên nghiệp cũng là trở ngại lớn.

Cần sửa luật

Năm 2011, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, từ đó người tiêu dùng cũng được tôn trọng, bình đẳng hơn, sự công khai minh bạch trong mua bán cũng được cải thiện. 

Bộ Công thương đang đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Theo tờ trình, Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 1 và Điều 2 để điều chỉnh các quan hệ tiêu dùng, các tranh chấp tiêu dùng có yếu tố nước ngoài hoặc xuyên biên giới.

Dự luật cũng sửa đổi một số điều khoản để bảo đảm việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển thương mại điện tử và sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh trên cơ sở nền tảng.

Bên cạnh đó cơ chế hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đang được thiết kế khá lửng lơ. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng cần bổ sung cả Luật và Nghị định.

Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại điện tử một mặt mang lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng trong giao dịch mua bán, nhưng cũng làm nảy sinh nhiều phức tạp. Nhiều hành vi xâm phạm mới xuất hiện ảnh hưởng đến người tiêu dùng chưa được điều chỉnh kịp thời. Các quy định về chất lượng dịch vụ phục vụ trước, trong và sau bán hàng như bảo hành, đổi sản phẩm lỗi còn lỏng lẻo. Những tranh chấp phát sinh có động chạm quyền lợi giữa bên mua và bên bán chưa được giải quyết đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.

Trước diễn biến này, ông Vũ Văn Trung cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định hướng dẫn thi hành cũng như các luật liên quan. Đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công thương với trách nhiệm là cơ quan chỉ trì soạn thảo đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan tổ chức, trong đó có các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Bàn thêm về giải pháp, theo ông Trung, bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ về trách nhiệm sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ có tiêu chuẩn, chất lượng tốt phục vụ người tiêu dùng. Đây cũng là cách tốt nhất bảo đảm cho lợi ích của doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân bán hàng qua các sàn giao dịch điện tử cần thực hiện nghiêm pháp luật nhà nước về kinh doanh thương mại điện tử, chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Về phía Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng người tiêu dùng cả nước. Cùng với đó, khích lệ người tiêu dùng không nên e ngại, mà hãy sẵn sàng lên tiếng khiếu nại, tố cáo khi quyền và lợi chính đáng của mình bị xâm hại.

“Bảo vệ người tiêu dùng không chỉ bó hẹp trong phạm vi một loại hàng hóa cụ thể mà phải nghĩ rộng hơn, sâu hơn về môi trường kinh doanh. Không chỉ bằng các công văn, chỉ thị mà phải ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, hệ thống dữ liệu tổng hợp đánh giá nhận xét và đề ra những giải pháp cho phù hợp với từng sự việc hiện tượng đang diễn ra trên thị trường”, ông Phú nhấn mạnh.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)