Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Thận trọng, khách quan

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Thận trọng, khách quan

ĐBQH đề nghị Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất phương án rồi trình Chính phủ và Quốc hội. 

Cho đến nay, câu chuyện đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam chở gì, chạy ở dải tốc độ nào... vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Trong văn bản gửi Bộ KH-ĐT kết quả nghiên cứu bổ sung phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Bộ GTVT cho biết, phương án ban đầu 350 km/h (phương án được lựa chọn trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án) là phù hợp với chiến lược và quy hoạch đường sắt. Trong khi đó, phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ 160-200 km/h không phải là đường sắt tốc độ cao theo định nghĩa của Hiệp hội Đường sắt quốc tế.

Theo Bộ GTVT, phương án đầu tư mới tuyến đường sắt với tốc độ 160-200 km/h khai thác chung tàu hàng và tàu khách không có khả năng thu hút nhu cầu vận tải nên hiệu quả không cao.

Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, việc xây dựng một tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện đại, hiệu quả là rất cần thiết và cần sớm thực hiện.

Tuy nhiên, cho đến nay mục tiêu của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (đường sắt chở gì) vẫn đang còn là vấn đề gây tranh cãi thì bản thân ông và nhiều người dân không biết đến khi nào dự án có thể được xây dựng.

Theo đó, Bộ GTVT lựa chọn phương án tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h chỉ thích hợp để chở khách, còn Bộ KH-ĐT lại chọn phương án vừa chở người vừa chở hàng, tốc độ 160-200 km/h. Bởi hai phương án khác nhau về mục tiêu nên không thể so sánh được.

"Đường sắt chỉ chở khách hay vừa chở khách vừa chở hàng, tốc độ 320 km/h hay 160-200 km/h cần phải có sự cân nhắc thận trọng, khách quan bởi nó liên quan đến tổng mức đầu tư, yêu cầu kỹ thuật trong xây dựng hạ tầng, trang bị phương tiện, khai thác, vận hành và tác động toàn cục, lâu dài đến toàn bộ nền kinh tế-xã hội", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Tuyến đường sắt Bắc-Nam

Bởi tầm vóc, vai trò quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và cũng bởi còn ý kiến trái chiều giữa Bộ GTVT - cơ quan phụ trách lĩnh vực giao thông vận tải và Bộ KH-ĐT - cơ quan phụ trách đầu tư, sử dụng đồng tiền của Nhà nước vào các công trình trọng điểm quốc gia, vị đại biểu đề nghị hai bộ ngồi lại với nhau.

"Tư duy của hai ngành còn khác biệt nên cần ngồi lại để bàn bạc, tính toán kỹ càng, chi li, có tham khảo ý kiến của các chuyên gia, làm sao để xây dựng dự án cho hiệu quả, người dân tín nhiệm", ông Hòa nhấn mạnh.

Thừa nhận không có chuyên môn sâu về đường sắt, song vị đại biểu cũng bày tỏ quan điểm, nếu đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có sự kết hợp vừa chở khách vừa chở hàng thì hiệu quả kinh tế-xã hội sẽ cao hơn và phù hợp với Việt Nam hơn. Việc xác định mục tiêu đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ chở gì có liên quan đến tốc độ vận hành, chi phí xây dựng dự án...

"Hai bộ cần đưa ra phương án thống nhất để sớm trình Chính phủ, sau đó đưa ra Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến. Còn nếu vẫn còn quan điểm khác biệt như vậy thì không biết đến bao giờ dự án mới xây dựng được", vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.  

Trong khi đó, trong nhiều lần trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Lê Công Nhường (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định), Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, người từng chất vấn về việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đã nêu quan điểm nên làm đường sắt tốc độ cao với tốc độ chừng 200 km/h.

Theo ông Nhường, lựa chọn tốc độ chạy tàu 200km/h thay vì 320km/h sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, bởi tổng mức đầu tư dự án tỷ lệ thuận với tốc độ chạy tàu, tốc độ càng cao, tổng mức đầu tư càng lớn.

Nhấn mạnh nguyên tắc đi từng bước có cơ sở vững chắc, theo đại biểu Lê Công Nhường, việc đầu tư 200 km/h với chi phí tương tự như của Thái Lan và các quốc gia khác sẽ nhẹ nhàng hơn và là một bước đệm vừa phải, trong điều kiện ngân sách và trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam có hạn, kinh tế chưa phát triển cao. Chưa kể, với tốc độ 200 km/h, Việt Nam có khả năng nội địa hóa một số thiết bị làm đường sắt tốc độ cao, tăng khả năng của doanh nghiệp trong nước vào dự án.

Đại biểu Lê Công Nhường đã nhiều lần nhắc đến tuyến đường sắt từ Nong Khai đi Bangkok (Thái Lan) khoảng 800 km có chi phí hơn 8 tỷ USD và ước tính đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam gần 1.600 km sẽ có chi phí dự kiến chừng 20 tỷ USD. Với tổng mức đầu tư này, theo vị đại biểu, Việt Nam có thể xoay xở được.

Còn với tốc độ 320-350 km/giờ chỉ nên tính ở giai đoạn sau năm 2045, khi Việt Nam đã có mấy chục năm vận hành đường sắt tốc độ cao và có kinh nghiệm hơn.

(Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn)