Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Biểu quyết trực tuyến của Quốc hội: Vấn đề pháp lý hay công nghệ?

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Biểu quyết trực tuyến của Quốc hội: Vấn đề pháp lý hay công nghệ?

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20.7 tới. Trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 vẫn đang diễn biến khó lường, giải pháp họp trực tuyến và vấn đề biểu quyết trực tuyến của Quốc hội tiếp tục được đặt ra. Đối với kỳ họp Quốc hội - nơi Quốc hội quyết định mọi vấn đề quan trọng của đất nước thì việc bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý cũng như chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết như một kỳ họp tập trung là vấn đề được đặt lên hàng đầu, nhất là việc Quốc hội sẽ biểu quyết như thế nào khi họp trực tuyến...

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ mười một, Quốc hội Khóa XIV
Ảnh: Quang Khánh

Có cơ sở pháp lý hay chưa?

Điều 96, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: Quốc hội quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng biểu quyết, với một trong hai hình thức là biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Điều 18, Nội quy kỳ họp Quốc hội được ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24.11.2015 tiếp tục quy định: Quốc hội quyết định áp dụng một trong ba hình thức: biểu quyết bằng hệ thống điện tử, biểu quyết bằng bỏ phiếu kín và biểu quyết bằng giơ tay, trong đó biểu quyết bằng giơ tay và biểu quyết bằng hệ thống điện tử được hiểu là biểu quyết công khai.

Vì vậy, về góc độ pháp lý, hiện đang có quan điểm khác nhau về biểu quyết trực tuyến của Quốc hội trong điều kiện phải tổ chức họp trực tuyến. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc biểu quyết trực tuyến chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc làm việc của Quốc hội đã được Luật và Nội quy kỳ họp quy định. Quan điểm còn lại cho rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền quyết định phương thức làm việc cho phù hợp với từng điều kiện, giai đoạn lịch sử.

Theo Ths. Đỗ Thúy Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội, về bản chất, biểu quyết trực tuyến có những đặc điểm cơ bản như biểu quyết qua hệ thống điện tử hiện nay. Cụ thể là, đều sử dụng một hệ thống thiết bị điện tử có chức năng biểu quyết; mỗi đại biểu được cung cấp một tài khoản; độ chính xác của kết quả biểu quyết tương đương nhau và đều được hiển thị trên màn hình điện tử ở Hội trường Diên Hồng. Ba yếu tố này là nền tảng quan trọng để có thể cho phép áp dụng biểu quyết trực tuyến tại các phiên họp của Quốc hội với ý nghĩa là một dạng/một biến thể của “biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử”.

Như vậy, cơ sở pháp lý của biểu quyết trực tuyến là có, nhưng lại chưa đủ vững chắc do hai hình thức biểu quyết vẫn có những điểm khác nhau về môi trường áp dụng, tính riêng tư, tính bảo mật, độ tin cậy của hệ thống. Tại Kỳ họp thứ Chín, Kỳ họp thứ Mười của Quốc hội Khóa XIV, để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, phương án biểu quyết trực tuyến cũng đã được tính toán rất kỹ, tuy nhiên do một số vấn đề kỹ thuật nên đến nay vẫn chưa thể áp dụng.

Vấn đề quan tâm nhất  

Theo PGS.TS. Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, để trả lời câu hỏi “Có thể biểu quyết trực tuyến tại các phiên họp trực tuyến hay không”, cần nhận thức rõ: Họp trực tuyến về thực chất là một giải pháp công nghệ không làm thay đổi bản chất của kỳ họp Quốc hội. Biểu quyết trực tuyến cũng chỉ là một giải pháp công nghệ để xác lập ý chí của các đại biểu Quốc hội về các nội dung, vấn đề được đưa ra biểu quyết. Do vậy, việc biểu quyết trực tuyến hoàn toàn có giá trị pháp lý như biểu quyết tại phiên họp tập trung thông qua hệ thống biểu quyết điện tử. Sự khác biệt giữa biểu quyết trực tuyến và biểu quyết tại phiên họp tập trung chỉ là vị trí, địa điểm đại biểu thực hiện quyền biểu quyết.

Như vậy, nếu thừa nhận biểu quyết trực tuyến cũng là một dạng thức của biểu quyết bằng hệ thống điện tử thì vấn đề đặt ra không phải là vấn đề pháp lý mà là giải pháp công nghệ. Từ đó, vấn đề đáng quan tâm nhất để bảo đảm biểu quyết trực tuyến được thuận lợi, an toàn và hiệu quả là hoàn thiện các giải pháp công nghệ theo hướng không chỉ bảo đảm sự thông suốt của hệ thống đường truyền mà còn bảo đảm an ninh mạng, loại bỏ mọi nguy cơ xâm nhập trái pháp luật để làm sai lệch kết quả biểu quyết. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về hình thức biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử để áp dụng phù hợp cho biểu quyết trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho các đại biểu thể hiện ý chí trong quá trình biểu quyết tại phiên họp trực tuyến.

Cho rằng vẫn có dư luận về tình trạng một số đại biểu biểu quyết theo phong trào, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng chỉ rõ, họp và biểu quyết trực tuyến có một thách thức cần lưu ý. Đó là có thể ảnh hưởng tới việc theo dõi, giám sát của Nhân dân, cử tri đối với hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Về khía cạnh tổ chức, biểu quyết trực tuyến là một sự thay đổi đáng kể trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, do đó phải tiến hành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để các đại biểu Quốc hội nắm vững, thuần thục các kỹ năng.

Sự thành công của Kỳ họp thứ Chín, thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV vừa qua đã bước đầu khẳng định tính hiệu quả của phương thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đây không chỉ là giải pháp mang tính tình thế hiện nay mà có thể áp dụng với những hoàn cảnh tương tự trong tương lai. Để biểu quyết trực tuyến có thể triển khai trong thực tiễn và áp dụng cho mọi trường hợp thì cần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội. Theo đó, quy định thêm hình thức họp trực tuyến của Quốc hội (các điều kiện cần và đủ để tiến hành họp trực tuyến); tiêu chí, điều kiện để tiến hành biểu quyết trực tuyến và ghi nhận đây là một trường hợp của biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Họp trực tuyến dù vẫn bảo đảm hiệu quả, lại linh hoạt và tiết kiệm nhưng rõ ràng chỉ phù hợp với các phiên họp công khai trong một kỳ họp của Quốc hội. Đối với các vấn đề phải họp kín, Quốc hội vẫn phải tiến hành họp tập trung. Hình thức biểu quyết trực tuyến chỉ được áp dụng tại phiên họp trực tuyến và không thể thay thế các hình thức biểu quyết khác, vì những vấn đề cần được biểu quyết bằng bỏ phiếu kín hoặc hình thức giơ tay chỉ có thể xem xét, quyết định tại phiên họp tập trung của Quốc hội. Chính vì vậy, việc họp trực tuyến phải được kết hợp hài hòa với việc họp tập trung mới bảo đảm cho Quốc hội thực hiện hiệu quả chương trình nghị sự của mỗi kỳ họp. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội Khóa XIV đã khẳng định điều này.

(Nguồn: daibieunhandan.vn)