Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Điều không bình thường trong một văn bản hành chính

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Điều không bình thường trong một văn bản hành chính

Từ câu chuyện văn bản “không bình thường” thông qua giám sát của công dân và của HĐND cho thấy, năng lực thể chế, thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức rõ ràng là có vấn đề. Một giải pháp quan trọng đặt ra là cần quy định công khai, minh bạch các văn bản hành chính bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, phải đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và cơ quan thực hiện văn bản, giúp nhân dân và cơ quan chức năng có điều kiện giám sát, góp phần xây dựng nền hành chính mới, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Không được tùy tiện, “sáng tạo”

Theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ “Về kiểm soát thủ tục hành chính” và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP  “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính”, thủ tục hành chính phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành; do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và phải theo đúng thẩm quyền được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khoản 4, Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định, từ ngày 1.7.2016 (thời điểm Luật có hiệu lực) trở đi, bộ, ngành, địa phương chỉ được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp được Luật giao. Nói cách khác, thông tư của các bộ, ngành; quyết định của UBND cấp tỉnh không được phép chứa các thủ tục hành chính nếu không được giao trực tiếp trong Luật.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng quy định công tác phổ biến, giáo dục, hướng dẫn thi hành pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Tuy nhiên, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn pháp luật phải bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực, tuyệt đối không suy diễn chủ quan khi chưa hiểu đầy đủ câu chữ của Luật. Đặc biệt, các cơ quan không có thẩm quyền thì không được tùy tiện, “sáng tạo”, quy định thêm bất cứ thủ tục hành chính nào, cho dù đó chỉ là biểu mẫu, bởi vì đó chính là một bộ phận cấu thành của thủ tục hành chính.

Thường trực HĐND TP Bảo Lộc  giám sát chuyên đề phát triển kinh tế

nông nghiệp nông thôn và hộ trồng dâu  nuôi tằm ở xã Đam'Bri, TP Bảo Lộc

Công văn nhưng có chứa quy phạm “thủ tục hành chính”

Quy định pháp luật rõ ràng là vậy, nhưng đầu nhiệm kỳ HĐND 2011 - 2016, một vị nguyên là đại biểu HĐND tình cờ đọc được một văn bản hành chính thông thường do Sở Nội vụ tỉnh ban hành. Đó là Công văn phúc đáp, hướng dẫn UBND thành phố (thuộc tỉnh) ra quyết định bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan chuyên môn theo Nghị định số 08/2016/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND” và theo Văn bản số 1138/HD-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Hướng dẫn một số nội dung về việc tổ chức Kỳ họp thứ Nhất của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021”. Đây là một văn bản hành chính thông thường do cơ quan nhà nước cấp Sở thuộc UBND tỉnh ban hành, sẽ là rất bình thường nếu công văn này không đính kèm “mẫu quyết định” bổ nhiệm cán bộ và đề nghị UBND thành phố thực hiện (!).

Tuy nhiên, nó “không bình thường” ở chỗ: 1) Công văn nhưng có chứa quy phạm pháp luật (quy định “mẫu quyết định” hành chính - Là một bộ phận của thủ tục hành chính); 2) Cơ quan ban hành công văn vượt quyền hạn (cấp Sở không có thẩm quyền quy định bất kỳ thủ tục hành chính nào dù đó là biểu mẫu); 3) Nghiệm trọng hơn, nội dung hướng dẫn có dấu hiệu không hợp pháp (Mẫu quyết định ghi: “Bổ nhiệm Ủy viên UBND đối với ông, bà...” trong khi, chức danh này phải do HĐND bầu).

Qua tìm hiểu nguyên nhân được biết, do cán bộ cơ quan tham mưu chưa hiểu rõ các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên đã tham mưu cho UBND thành phố ký gửi công văn hỏi Sở chuyên môn cấp tỉnh. Điều đáng nói là, lịch sử thể chế pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương nước ta từ năm 1958 đến nay trải qua hơn nửa thế kỷ vận hành, 7 lần sửa đổi, bổ sung nhưng cơ bản vẫn nhất quán và có tính kế thừa về nguyên tắc tổ chức của chính quyền nhà nước dân chủ, cộng hòa - Nghĩa là UBND các cấp đều do HĐND bầu ra.

Thế nhưng, cơ quan chuyên môn cả hai cấp đều tỏ ra lúng túng về điều sơ đẳng này trong tham mưu thực hiện. Chính vì vậy, sau khi có công văn hướng dẫn của Sở Nội vụ, một loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ chưa bảo đảm tính hợp pháp đã được UBND ban hành, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan. Tuyệt nhiên, những cán bộ nhận quyết định bổ nhiệm đều thấy “bình thường” (!)

Sự việc sau đó được Thường trực HĐND thành phố phát hiện, xem xét, có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cùng cấp thu hồi các quyết định không đúng quy định. Mặc dù vậy, cơ quan tham mưu chưa nhận thức được yếu tố trái pháp luật, vẫn bảo lưu cho rằng, UBND thành phố ban hành quyết định bổ nhiệm là theo đúng “mẫu” hướng dẫn của Sở Nội vụ tỉnh, không cần hiểu Sở có thẩm quyền đó hay không (?). Về phía tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh cũng góp ý cho Sở Nội vụ, nhưng phía Sở cũng chậm nhận ra việc ban hành “mẫu quyết định” kèm theo công văn như một bộ phận của thủ tục hành chính là không đúng thẩm quyền (!).

Cuối cùng thì UBND thành phố cũng phải thu hồi và ban hành lại các quyết định bổ nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn theo đúng quy định. Còn ở cấp tỉnh, sau khi Báo Đại biểu Nhân dân nêu vấn đề, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có văn bản chỉ đạo một số tỉnh liên quan rà soát, khắc phục những sai sót trong việc ra quyết định bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình, bảo đảm đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

Công khai, minh bạch các văn bản hành chính

Từ câu chuyện văn bản “không bình thường” thông qua giám sát của công dân và của HĐND trên đây đã nói lên nhiều điều đáng suy ngẫm. Trước hết, về năng lực thể chế, thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức rõ ràng là có vấn đề. Sai sót của văn bản hành chính nói trên tuy không lớn, nhưng có thể đánh giá đây là biểu hiện bề nổi của cả tảng băng, biểu hiện tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức về thể chế nền dân chủ, cộng hòa, về nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… Đó mới là điều quan trọng cần phải quan tâm.

Thứ nữa, cán bộ, công chức tùy theo ngạch, bậc, vị trí việc làm phải hiểu rõ quyền hạn, trách nhiệm của mình, của cơ quan mình hay của các cấp chính quyền mà mình đang phục vụ. Từ đó, chủ động nghiên cứu, cập nhật kiến thức pháp luật, tham mưu và thực thi đúng pháp luật, biết chịu trách nhiệm và có lòng tự trọng với vị trí, nghề nghiệp của mình.

Cuối cùng, quy định công khai, minh bạch các văn bản hành chính bằng nhiều hình thức theo quy định của pháp luật; đặc biệt, phải đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản và cơ quan thực hiện văn bản là một trong những giải pháp quan trọng giúp nhân dân và cơ quan chức năng có điều kiện giám sát, góp phần xây dựng nền hành chính mới, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn