Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Sớm sửa đổi Luật Đất đai

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Sớm sửa đổi Luật Đất đai

Ngày 8.7 vừa qua, Chính phủ có Tờ trình 224/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022).

Nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình 3 Kỳ họp.     Nguồn: ITN

Nên thông qua theo quy trình 3 kỳ họp

Sau hơn 7 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, thực tiễn cho thấy một số quy định đã bộc lộ bất cập, hạn chế; chưa đồng bộ, thiếu thống nhất với các luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch… Nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ, bền vững để trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Vi phạm pháp luật, tham nhũng, trục lợi và tranh chấp về đất đai xảy ra ở nhiều nơi, có nơi thành điểm nóng về an ninh, trật tự nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Đặc biệt, nhiều quan điểm mới của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; các nghị quyết, kết luận có liên quan về định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian qua cần được thể chế trong luật.

Do đó, việc bổ sung dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (sau đây gọi là dự án Luật) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về đất đai; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc và tạo điều kiện quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, đây là dự án Luật có nhiều nội dung phức tạp, tác động và ảnh hưởng sâu, rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhiều văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Đất đai hiện hành cần được tổng kết đầy đủ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật. Đồng thời, để xây dựng dự thảo Luật có chất lượng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi và ổn định lâu dài, nên lùi thời gian trình Quốc hội thông qua luật sang Kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023), tức là thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.

Bổ sung quy định về đất an ninh, quốc phòng kết hợp làm kinh tế

Tuy nhiên, trong Đề cương dự án Luật hiện chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 10.2020 có 3,4% đất quốc phòng được giao quản lý đang sử dụng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế. Đất an ninh được sử dụng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế chủ yếu gồm 3 loại: tại các doanh nghiệp của Bộ Công an; tại các đơn vị sự nghiệp công lập (cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện, bệnh viện, nhà an dưỡng, nhà công vụ) và các trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng.

Thực tế cho thấy việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong thời gian qua là có hiệu quả, góp phần tích cực trong rèn luyện, cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, đem lại nguồn thu đáng kể, làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, nhiều nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cấp bách hoặc đột xuất cần phải giải quyết. Tuy nhiên, pháp luật về đất đai hiện hành chưa quy định sửa dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế. Do đó, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, dẫn đến một số vi phạm hoặc gây lãng phí tài nguyên, nguồn thu đáng kể…

Để khắc phục, tháng 9.2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 59-KL/TW “về chủ trương tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng tham gia vào hoạt động lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội” và tháng 10.2020 tiếp tục có Kết luận 90-KL/TW “về chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất an ninh kết hợp sản xuất, xây dựng kinh tế của lực lượng Công an nhân dân”. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo này, tháng 11.2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 132/2020/QH14 (hiệu lực từ 1.7.2021) thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Hơn nữa, Kết luận 59-KL/TW còn nêu chủ trương sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, trong đó bổ sung quy định đất quốc phòng sử dụng vào hoạt động lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội.

Do đó, dự thảo Đề cương Luật Đất đai (sửa đổi) cần được tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng theo hướng: bổ sung quy định đất quốc phòng, an ninh sử dụng vào hoạt động lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội và lực lượng Công an nhân dân; làm rõ và quy định cụ thể về hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, Công an; sự khác biệt với các hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như về phạm vi, hình thức, cơ chế tài chính, nghĩa vụ đối với Nhà nước của các hoạt động này...

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)