Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Bí thư Đồng Tháp: 'Thận trọng nới lỏng nhưng không cứng nhắc'

Chi tiết bài viết Tin tức

Bí thư Đồng Tháp: 'Thận trọng nới lỏng nhưng không cứng nhắc'

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy/Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trả lời VnExpress khi tỉnh cơ bản kiểm soát dịch bệnh, sẽ nới lỏng thêm các hoạt động sau ngày 30/9.

- Tháng 7, Đồng Tháp là "điểm nóng" Covid-19, chỉ sau TP HCM và Bình Dương. Khi đó, Phó Chủ tịch Tỉnh thừa nhận việc dập dịch lúc đầu lúng túng, chưa kịp thời. Thời gian qua, địa phương đã làm gì để kiểm soát dịch?

- Giai đoạn đầu tỉnh có lúng túng vì biến chủng Delta diễn biến quá phức tạp, khó lường, tốc độ lây nhanh. Ca nhiễm tăng nhanh nhưng không kịp thời xử lý. Khi có nhiều ca bệnh diễn tiến nặng nhưng năng lực y tế của tỉnh còn hạn chế, không thể ứng phó. Thêm nữa năng lực xét nghiệm của tỉnh lúc đó còn thấp, chỉ có ba máy PCR nhưng áp lực phải tiến hành khối lượng xét nghiệm lớn, các bộ phận đều có sự lúng túng.

Bí thư Tỉnh ủy/Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong. Ảnh: Ngọc Tài

Nhận thức được việc này, tỉnh đã rà soát từng khâu, làm việc với từng tiểu ban chống dịch, xác định quy trình công việc đang chuyển động như thế nào. Tỉnh đã trang bị nhanh bằng nhiều nguồn để hoàn thiện hệ thống xét nghiệm, đủ năng lực tầm soát diện rộng và chủ động trong các tình huống dịch bệnh bùng phát cùng lúc. Ban đầu chỉ thực hiện 300-400 mẫu một ngày, sau khi trang bị 12 máy PCR có ngày cao điểm xét nghiệm 9.000 mẫu đơn, tức 90.000 mẫu gộp 10.

Trang bị máy móc rất quan trọng nhưng yếu tố quyết định hàng đầu là việc tổ chức, phân công từng vị trí công việc để đạt hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh cũng nhận được sự trợ giúp rất lớn từ các đoàn công tác của Bộ Y tế, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, sự trợ giúp từ các bệnh viện...

Khi bắt nhịp, Đồng Tháp đặt ra yêu cầu "làm cao hơn một mức và đi nhanh hơn một bước". Thời điểm đó tỉnh có chiến lược xét nghiệm cho từng thời kỳ cụ thể. Một mặt khuyến khích các địa phương chủ động tăng cường xét nghiệm diện rộng, tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa, không trông chờ hoàn toàn vào tỉnh.

Với khu vực nguy cơ cao, Bộ Y tế quy định xét nghiệm tầm soát vào các ngày 1, 3, 7 và 14. Đồng Tháp xét nghiệm nhiều hơn vào các ngày 2 và 5 để phát hiện nhanh F0. Thực tế cho thấy đã phát hiện nhanh và kịp thời các trường hợp nhiễm hơn. Thêm nữa khi có đủ máy xét nghiệm, tỉnh thành lập tổ điều phối xét nghiệm, yêu cầu các khâu phối hợp nhịp nhàng hơn. Thời gian trả kết quả kéo giảm xuống còn 18 tiếng thay vì 24 tiếng.

Trong điều trị, khi được sự hỗ trợ, chi viện, tỉnh xác định đây là điều kiện thuận lợi để nhanh chóng cải thiện việc điều trị bệnh nhân, giảm tử vong, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu đội ngũ y tế phải học tập nhanh, chủ động được các tình huống khi các nguồn lực chi viện rời đi. Ngoài ra, phải có đơn nguyên điều trị ICU tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Kế hoạch hoàn thành nhanh với 50 giường, tiếp đến là Bệnh viện Phổi Đồng Tháp với 40 giường.

Từ lúng túng chuyển sang chủ động, tỉnh còn khuyến khích sự sáng tạo từ cơ sở. Tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Đồng Tháp, chúng tôi khuyến khích đội ngũ y bác sĩ, điều trị kết hợp Đông - Tây y. Ngay sau đó, đội ngũ bác sĩ đã có những nghiên cứu, bổ sung một số giải pháp vào điều trị như chiết xuất từ thảo mộc thành các loại nước uống thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ nâng cao thể trạng của bệnh nhân. Trước mắt chưa thể đánh giá một cách đầy đủ về hiệu quả của giải pháp này nhưng thực tế số ca chuyển nặng và tử vong tại đây rất thấp.

Đến nay, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Số ca mắc giảm sâu trong 10 ngày gần đây, có những ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc tính đến ngày 29/9 là 8.233 ca (211 ca tử vong), trong đó chỉ còn 444 ca đang điều trị. Đồng Tháp bắt đầu áp dụng phát đồ điều trị F0 mới của Bộ Y tế qua đó số ca chuyển nặng và tử vong đều giảm. Ngày 1-14/9 ghi nhận 46 ca tử vong, từ 15 đến 29/9 có 23 ca tử vong, giảm 50%.

Hy vọng sau ngày 30/9 Đồng Tháp sẽ chuyển trạng thái của mình một cách phù hợp theo hướng tiếp tục nới lỏng thêm, phù hợp với khả năng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

- Kinh nghiệm mà tỉnh rút ra là gì?

- Đó là yêu cầu sự chủ động nhiều hơn từ phía cơ sở. Nếu không chuyển động mạnh, cán bộ cơ sở không nắm chặt chẽ địa bàn, thì rất khó để triển khai đồng bộ và hiệu quả những chủ trương, giải pháp từ tỉnh.

Tỉnh yêu cầu phải nhanh, đủ và đúng. Quy trình xử lý các tình huống dịch nếu không làm đầy đủ thì chắc chắn chúng ta phải trả giá. Nếu nhanh, đủ mà không đúng thì vẫn phát sinh sự cố phải xử lý mệt mỏi về sau. Đơn cử như qua trình quản lý lao động trong doanh nghiệp, nếu không kỹ, để xảy ra việc di chuyển, giao tiếp của công nhân với bên ngoài, sẽ dễ dẫn đến lây nhiễm, phát sinh ổ dịch mới.

Đồng Tháp xác định phải nắm, xử lý thật nhanh mọi tình huống. Do đó, suốt 3 tháng qua tỉnh đều họp giao ban mỗi buổi chiều. Tại cuộc họp với những tình huống xảy đến trong ngày, các vấn đề vướng mắt cần giải quyết, lãnh đạo tỉnh ngay lập tức cho chủ trương, chỉ đạo thực hiện ngay không chờ văn bản. Từ đó công tác phòng chống dịch được kịp thời.

Dập dịch thành công cần gắn chặt với cơ sở, không đợi đến khi xảy ra ổ dịch mới xuống cơ sở mà mỗi người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải có trách nhiệm với địa bàn của mình. Cần trực tiếp đến, lắng nghe, khi xảy ra vấn đề thì phải làm việc bất kể ngày đêm. Mục tiêu là làm sao nắm chắc được tình hình, cùng anh em phân tích, đánh giá các yếu tố dịch tễ, mức độ nguy hiểm và các biện pháp cần làm. Từ đó anh em cơ sở cũng nỗ lực hơn. Trong phòng chống dịch nếu không nắm được địa bàn, không nắm được tình hình cụ thể thì không bao giờ làm triệt để được.

Có những thời điểm số ca nhiễm tăng cao, số ca tử vong nhiều, đặt chúng tôi vào những thách thức lớn, áp lực gia tăng đòi hỏi phải nỗ lực hơn để đạt hiệu quả chống dịch tốt hơn. Chúng tôi cầu thị và lắng nghe đầy đủ, vừa chia sẻ, đặt anh em trong tâm thế cùng chia sẻ trách nhiệm với mình. Không khí làm việc của Đồng Tháp, phong cách của anh em ở đây đã rất cởi mở trong cách tiếp cận, trong chia sẻ, nên mọi việc chuyển biến dần theo hướng tích cực và ổn định hơn.

- Vì sao kiểm soát được dịch nhưng đến ngày 23/9, Đồng Tháp mới nới lỏng giãn cách, trong khi các tỉnh xung quanh đã thực hiện trước đó?

- 8 trên 12 huyện thị của tỉnh nới lỏng giãn cách, chuyển từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 tăng cường từ ngày 16/9, một tuần sau 4 huyện còn lại cũng nới lỏng tương tự. Tình hình dịch bệnh của tỉnh sẽ quyết định mức áp dụng giãn cách xã hội phù hợp. Số ca mắc Covid-19 giảm bền vững và có yếu tố cho thấy độ an toàn thì mới chuyển trạng thái.

Đồng Tháp áp dụng phương châm thận trọng nhưng không cứng nhắc. Nới lỏng giãn cách tới đâu thì phải quản lý được tới đó. Thực tiễn cho thấy với hiện trạng dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thì điều đó phù hợp vì không tạo ra một sự xáo trộn, không chuyển trạng thái quá đột ngột và phải giữ được kết quả phòng chống dịch.

Thực ra luôn luôn có một bộ phận người dân không hài lòng khi nới lỏng giãn cách chậm, bởi vì tâm lý phải ở nhà trong thời gian quá dài. Người dân cũng đánh giá năng lực và khả năng của lãnh đạo tỉnh về điều hành, kiểm soát dịch. Tất cả đánh giá, phán xét đó mình phải chấp nhận và xem đó là thiếu sót và lỗi của mình. Vì quá trình phòng chống dịch chưa đạt được như mong muốn của người dân.

Đồng tháp xác định quan điểm rất rõ là phải thích ứng. Trước đó khi một số huyện thị còn áp dụng Chỉ thị 16 tỉnh đã đề ra các mục tiêu để từng bước thích ứng. Sau khi toàn tỉnh xuống Chỉ thị 15 nâng cao thì có nhiều động thái thích ứng rõ ràng hơn. Người tiêm 2 mũi vaccine được đi lại trong huyện, 1 mũi được đi lại trong xã, phường, thị trấn.

Khi áp dụng mức giãn cách thấp hơn sẽ cho phép lực lượng công nhân và người lao động ở ngoài tỉnh vào trong tỉnh để khai thác, phục vụ các chuỗi sản xuất, nhà máy. Đồng thời tỉnh cũng tạo điều kiện để lực lượng lao động trong tỉnh ra ngoài địa bàn của tỉnh để thực hiện việc khai thác phục vụ sản xuất...

Việc khôi phục sản xuất tỉnh cũng đã có những bước đi thận trọng nhưng không cứng nhắc. Từ đợt giãn cách thứ 5, tỉnh đã đặt ra yêu cầu từng bước thích ứng với một loạt những điều chỉnh. Từ mô hình "ba tại chỗ" sang "bốn tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ và y tế tại chỗ). Đến đợt giãn cách thứ 6, tỉnh đặt ra mục tiêu thích ứng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại có 168 doanh nghiệp đã hoạt động "bốn tại chỗ", tăng gấp đôi so với giai đoạn đầu; 19.000 người lao động quay về làm việc, tăng 8.000 lao động.

Cùng với đó, các quy định đã tạo điều kiện cho người dân thăm đồng, thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Một số mặt hàng ăn uống thiết yếu được mở bán theo khung giờ quy định. Một số chợ truyền thống được xem xét cho phép hoạt động trở lại với mật độ hợp lý. Về cơ bản, các mục tiêu tỉnh đặt ra cho giai đoạn từ 15/9 đến 30/9 đã có những chuyển biến rất tích cực.

- Các tỉnh đang dần về bình thường mới nhưng có cách chống dịch khác nhau gây khó khăn cho hàng hóa lưu thông, người dân đi lại. Theo ông, các địa phương cần làm gì để vừa phòng dịch hiệu quả nhưng không mạnh ai nấy làm?

- Các bộ chuyên ngành có thể hình thành những hướng dẫn mang tính chất khung nguyên tắc để các địa phương cùng thực hiện. Ví dụ như địa phương này đã xét nghiệm thì địa phương khác không cần xét nghiệm lại và đi thông suốt trong một khung thời gian quy định.

Trong thời gian đầu các địa phương đều có quan điểm riêng và đều giữ những nguyên tắc, bởi lúc đó dịch đang rất phức tạp và phần nào hợp lý để giữ được hiện trạng. Nhưng bây giờ đã đến lúc thích ứng với dịch thì cần những quy tắc chung để liên kết vùng có hiệu quả.

Hiện tại đã có một số tín hiệu tích cực từ các bộ chuyên ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, các hiệp, hội, ngành nghề cũng ngồi với nhau. Chuyện còn lại là các địa phương nên có sự chủ động.

(Nguồn: vnexpress.net)