Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng là cách trọng dụng nhân tài

Trang chủ Hoạt động của đại biểu

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng là cách trọng dụng nhân tài

Cùng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cũng là cách thu hút, trọng dụng nhân tài để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 4, khoá XIII. Ảnh TTXVN

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật nêu quan điểm khi trò chuyện với phóng viên Tiền Phong.

Hội nghị Trung ương 4 đã thảo luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng bị xử lý kỷ luật. Sang nhiệm kỳ XIII, sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển. Điều này có phải là minh chứng cho thấy, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng như phòng, chống tham nhũng luôn được thực hiện thường xuyên, liên tục, thưa ông?

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn. Dù đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, song tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng ví “chống tham nhũng phải như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”, làm thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong nhiệm kỳ qua, số lượng cán bộ đảng viên, trong đó có cả người đương chức cũng như đã nghỉ hưu, từ cấp Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng, rồi Bí thư, Chủ tịch cấp tỉnh...bị xử lý vi phạm với nhiều hình thức khác nhau đã cho thấy điều đó.

"Kết luận số 14 của Bộ Chính trị là hết sức cần thiết, vừa để bảo vệ cũng vừa để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, ngoài quy định của Đảng, theo tôi cũng cần phải được luật hoá để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng pháp luật".

Cán bộ giữ cương vị càng cao, càng có nhiều cám dỗ. Khi làm những điều sai trái, họ có biết không? Họ biết chứ, nhưng vẫn cứ làm, vì nghĩ rằng hành vi của mình không ai biết, có thể qua mắt được tất cả. Rồi lợi ích nhóm, móc ngoặc với nhau, nên họ nghĩ rằng có thể được bao che, bảo vệ, cũng có thể vì lợi ích trước mắt và lâu dài mà họ bất chấp tất cả...

Chính vì vậy, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tiêu cực, tham nhũng thực hiện thường xuyên, liên tục là điều hết sức cần thiết, qua đó góp phần cảnh tỉnh, răn đe những người đã nhúng chàm, cần tỉnh ngộ, tự soi, tự sửa mình.

Ông thấy sao khi vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được bổ sung thêm nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực?

Việc bổ sung quy định này là hết sức cần thiết. Tham nhũng là tham ô tiền của, tài sản nhà nước, còn tiêu cực có rất nhiều hành vi, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong chi tiêu ngân sách nhà nước, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ… Tổ chức phân công anh về địa phương, giao nhiệm vụ này, nhiệm vụ kia, anh lại thoái thác, không nhận, đó cũng là những hành vi tiêu cực. Lơ là trong công tác, "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" cũng được xem là hành vi tiêu cực…

Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thời gian qua chúng ta đã làm, nhưng còn tiêu cực, dù đã có làm nhưng chưa thực sự rạch ròi, cụ thể. Mặt khác, tham nhũng và tiêu cực thường có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tiêu cực thường dẫn đến tham nhũng, và tham nhũng là hệ quả của tiêu cực. Tất cả đều bắt nguồn từ sự suy thoái, xa rời quần chúng, xa rời tổ chức, bè phái, cục bộ… Bởi vậy, không ngăn chặn suy thoái, biến chất của cán bộ đảng viên sẽ dễ dẫn đến hành vi tiêu cực, rồi tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, ông thấy sao khi vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung?

Kết luận số 14 có thể ví như việc “bật đèn xanh”, như "cái ô" để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trước đó, cũng có nhiều quy định liên quan trong việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, có nhiều cán bộ vẫn chùn bước, không dám làm vì sợ trách nhiệm. Họ nghĩ ra việc đó có thể mang lại lợi ích chung đấy, nhưng lại không dám làm, vì có làm thì có đúng, có sai. Nếu làm đúng, chưa chắc họ được ghi nhận, khen thưởng, còn khi làm sai, ai bảo vệ họ?

Vì vậy, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị là hết sức cần thiết, vừa để bảo vệ cũng vừa để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, ngoài quy định của Đảng, theo tôi cũng cần phải được luật hoá để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng pháp luật. Như vậy sẽ giúp cán bộ năng động, sáng tạo yên tâm hơn khi được pháp luật bảo vệ.

Điều này càng hết sức cần thiết trong bối cảnh phòng, chống COVID-19 hiện nay, thưa ông?

Trong phòng chống đại dịch COVID-19 hiện nay, nhiều việc làm cũng chưa có tiền lệ, có cái đúng, có cái sai. Chẳng hạn như việc áp dụng các biện pháp cách ly F1, F2, thời điểm này đúng, nhưng cũng có thể thời điểm khác lại sai. Vì vậy, cần phải vừa làm, vừa đúc rút, vừa rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn.

Có thể cán bộ làm chưa thực sự đúng, nhưng họ làm vì cái chung với động cơ trong sáng, mà không phải vì vụ lợi cá nhân, thì cần được xem xét, bảo vệ. Ngược lại, những ai lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng sự dám nghĩ, dám làm mà vì động cơ cá nhân, trục lợi cá nhân phải hết sức nghiêm trị. Mọi hành vi của cán bộ cần phải được xem xét từ động cơ thực sự, xem vì lợi ích chung hay vụ lợi cá nhân.

Cùng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung là điều rất quan trọng. Điều này không chỉ để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, mà còn giúp khơi dậy, phát huy nhân tố mới, huy động được nhiều nhân tài phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Tiền phong)