Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Chủ động phối hợp, nắm thông tin trong thẩm tra

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Chủ động phối hợp, nắm thông tin trong thẩm tra

Để báo cáo thẩm tra đạt yêu cầu về chất lượng, đưa ra được những kiến nghị, đề xuất sát đúng, lãnh đạo Ban phải chủ động phối hợp và làm việc với các ngành, tham dự các buổi thảo luận, tổ chức nắm bắt nội dung đề án ngay từ quá trình chuẩn bị, xác định những vấn đề chủ yếu phải quyết định. Tổ chức khảo sát, giám sát để nắm tình hình địa phương, đơn vị về những nội dung liên quan đến thẩm tra; tổ chức hội nghị TXCT chuyên đề lấy ý kiến tham gia của cử tri và đối tượng chịu tác động trực tiếp đến nội dung thẩm tra…

Chủ yếu phụ thuộc vào lãnh đạo Ban chuyên trách

Thực hiện các quy định của pháp luật về thẩm tra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên đã tổ chức nhiều phiên họp toàn thể để thẩm tra. Nhiều cuộc khảo sát, giám sát chuyên đề đối với các sở ngành của tỉnh và các địa phương liên quan về việc thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; Chương trình 135; các chế độ, chính sách cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2018...

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng việc nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra có lúc còn thụ động, chưa tổ chức được nhiều hoạt động khảo sát để thu thập thông tin. Sự phối hợp giữa Ban với các cơ quan chuyên môn, cơ quan xây dựng báo cáo, dự thảo nghị quyết có lúc chưa chặt chẽ. Quá trình thẩm tra, một số thành viên Ban tham gia ý kiến còn ít. Chất lượng một số báo cáo thẩm tra có nội dung mang tính phản biện chưa cao… Nguyên nhân chủ yếu do việc gửi văn bản thẩm tra chưa kịp thời; hồ sơ gửi kèm không đầy đủ, thiếu thông tin liên quan đến báo cáo, dự thảo nghị quyết; hoạt động thẩm tra chủ yếu phụ thuộc vào lãnh đạo Ban chuyên trách, chưa phát huy được trí tuệ tập thể Ban; chuyên viên tham mưu, giúp việc cho Ban còn thiếu về số lượng, hạn chế về kinh nghiệm trong công tác tham mưu.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên thẩm tra một số báo cáo về lĩnh vực dân tộc miền núi tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khóa VII. Ảnh: An Bình

Tăng cường nắm bắt thông tin

Từ thực tế hoạt động cho thấy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thẩm tra các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi trên địa bàn, quá trình chuẩn bị thẩm tra, một yêu cầu đặt ra là báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh đúng thời gian quy định, có sự thẩm định của Sở Tư pháp đối với các văn bản có yêu cầu phải thẩm định. Trên cơ sở đó, theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung được phân công, lãnh đạo Ban xây dựng kế hoạch tổ chức thẩm tra và phân công thành viên trong Ban nghiên cứu nội dung thẩm tra; yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu và trình bày về vấn đề mà Ban thẩm tra. Lãnh đạo Ban cần được mời tham dự các hội nghị liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ban, các hội nghị của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy khi thảo luận các nội dung trình tại kỳ họp HĐND tỉnh để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong hoạt động thẩm tra của Ban.

Để báo cáo thẩm tra đạt yêu cầu về chất lượng, đưa ra được những kiến nghị, đề xuất sát đúng, lãnh đạo Ban phải chủ động phối hợp và làm việc với các ngành, tham dự các buổi thảo luận, tổ chức nắm bắt nội dung đề án ngay từ quá trình chuẩn bị, xác định những vấn đề chủ yếu phải quyết định. Lãnh đạo Ban cần tổ chức khảo sát, giám sát để nắm tình hình địa phương, đơn vị về những nội dung liên quan đến thẩm tra; tổ chức hội nghị TXCT chuyên đề để lấy ý kiến tham gia của cử tri và đối tượng chịu tác động trực tiếp đến nội dung thẩm tra... trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành lấy ý kiến của những người có kinh nghiệm sâu về lĩnh vực đang tiến hành thẩm tra.

Sau thẩm tra, lãnh đạo Ban tổng hợp những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa báo cáo, dự thảo nghị quyết với báo cáo thẩm tra, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Thường trực HĐND tỉnh chủ trì tổ chức cuộc họp để thảo luận những vấn đề chưa thống nhất sau thẩm tra, ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban để gửi đến đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp xem xét, thảo luận trước khi biểu quyết thông qua. Trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thảo luận, thống nhất với UBND tỉnh, cơ quan được phân công soạn thảo để giải trình thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa báo cáo thẩm tra của Ban với cơ quan trình dự thảo nghị quyết, báo cáo.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm tra, Thường trực HĐND tỉnh cần tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng thẩm tra cho thành viên Ban, tạo điều kiện cho Ban tham gia trao đổi, học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành trong nước, các hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng do các cơ quan của Quốc hội tổ chức. Đối với Văn phòng HĐND tỉnh, cần phối hợp tốt với Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc các cơ quan soạn thảo gửi báo cáo, dự thảo nghị quyết về Thường trực HĐND tỉnh đúng thời gian quy định; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thẩm tra của các Ban theo quy định.

http://daibieunhandan.vn/