Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ đại biểu

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ đại biểu

Thảo luận vừa là nội dung bắt buộc, vừa là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách tại kỳ họp của HĐND. Với vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, cơ quan dân cử các địa phương đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thảo luận của đại biểu, trước hết là thảo luận tại tổ. Cùng với tách hẳn hoạt động thảo luận tổ ra khỏi chương trình kỳ họp, nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức cũng đã được nhiều địa phương áp dụng linh hoạt để phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các tổ đại biểu.

Một buổi thảo luận tổ trước Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2016 – 2021.   Ảnh: H.Đức

Mở rộng thành phần để thảo luận sâu hơn

Trong đợt họp thứ nhất theo hình thức trực tuyến của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đang điễn ra, các phiên thảo luận tại các tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV… và các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết thực sự sôi động. Các đại biểu Quốc hội đã rất trách nhiệm, đóng góp những ý kiến chất lượng, đề xuất nhiều giải pháp khả thi. Có thể thấy, việc tách chương trình Kỳ họp thứ Hai thành 2 đợt, trong đó đợt thứ nhất đang được tổ chức họp dưới hình thức trực tuyến không chỉ bảo đảm phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà còn nâng cao chất lượng của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước.

Với đặc điểm các tổ trưởng Tổ đại biểu hầu hết là Bí thư hoặc Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, đại biểu chuyên trách chiếm tỷ lệ thấp, các đại biểu còn lại hầu hết là bên ngành chuyên môn. Vì vậy, khi thảo luận gần như báo cáo về lĩnh vực mình phụ trách, ít nói đến các vấn đề khác, ngại phát biểu ý kiến, phát biểu không sâu sắc, thiếu tập trung. Khắc phục bất cập này, trong chuẩn bị kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thống nhất với các Ban HĐND xây dựng những nội dung gợi ý cần thảo luận theo các nhóm vấn đề gửi tới các Tổ đại biểu cùng với tài liệu kỳ họp và chỉ đạo Tổ đại biểu họp tổ thảo luận trước phiên họp ít nhất 5 ngày; thành phần mở rộng bao gồm Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ và các ngành chuyên môn cấp huyện (địa bàn đắc cử của Tổ đại biểu). Đổi mới này đã giúp các đại biểu thảo luận, phân tích sâu hơn, đi thẳng vào vấn đề, phát hiện được những nội dung trong báo cáo, tờ trình chưa đề cập hoặc đề cập chưa sát, chưa đúng thực tế, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục.

Tương tự, Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức phiên họp Tổ trước kỳ họp theo hướng dành phần lớn thời gian để thảo luận các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, các tài liệu khác phục vụ việc thảo luận nghị quyết. Thường trực HĐND tỉnh có văn bản hướng dẫn thảo luận Tổ. Trong đó, các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp được chia thành từng nhóm vấn đề, mỗi nhóm có gợi ý những nội dung cần tập trung làm rõ để Tổ trưởng điều hành và đại biểu thảo luận. Tổ trưởng căn cứ Hướng dẫn thảo luận Tổ ở từng kỳ họp, phân công cho đại biểu thành viên nghiên cứu chuyên sâu một số nội dung để chủ động có ý kiến. Ngoài đại biểu HĐND tỉnh, các Tổ mời thêm đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, thành phố (địa bàn Tổ ứng cử) và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố dự họp để tham gia phát biểu, cung cấp thêm thông tin tình hình địa phương, các thông tin liên quan để đại biểu nghiên cứu, thảo luận.

Nhiều ý kiến hay, giải pháp thiết thực

Từ thực tế việc tổ chức thảo luận tổ nằm trong chương trình kỳ họp, các ý kiến thảo luận còn chưa sâu sắc và sát thực tiễn, nhất là đối với những nội dung HĐND bàn, quyết định liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của Nhân dân. Thành phần tham dự vẫn chủ yếu là đại biểu ngành, phòng, ban, đại biểu tại các địa phương, đại biểu là cử tri, chuyên gia thì hầu như không có… nên ý kiến chủ yếu mang tầm nhìn của cấp trên và của ngành. Đặc biệt, còn làm phiên thảo luận tại hội trường trở nên nhàm chán bởi một số đại biểu mang luôn các nội dung đã thảo luận tại tổ trình bày tại hội trường mà chưa có sự đánh giá, tổng hợp, chọn lọc. Vì vậy, từ năm 2017, hoạt động thảo luận tổ tại kỳ họp được Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh được đổi mới theo hướng tổ chức trước kỳ họp 3 - 5 ngày. Công tác tổ chức được giao cho Tổ trưởng Tổ đại biểu phối hợp với Thường trực HĐND, UBMTTQ phường, xã nơi đại biểu ứng cử.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Lê Hồng Hạnh: Việc thảo luận trước thời điểm khai mạc kỳ họp từ 3 - 5 ngày không chỉ tạo điều kiện cho đại biểu nghiên cứu tài liệu nghiêm túc, chủ động mà còn giúp cho đại biểu tranh thủ được nhiều ý kiến và thông tin để chuẩn bị cho ý kiến tham gia thảo luận tại hội trường, chất vấn tại kỳ họp. Bên cạnh đó, nhiều nội dung dự kiến sẽ bàn tại kỳ họp được thảo luận sâu hơn do thành phần tham gia được linh hoạt và chủ động hơn vì thảo luận được tổ chức tại các địa phương, không bị bó hẹp thành phần như tại kỳ họp HĐND. Đặc biệt, với một số chuyên đề, nhiều Tổ trưởng còn chủ động mời chuyên gia và cử tri là đối tượng tác động cùng tham gia. Qua đó, ghi nhận được rất nhiều ý kiến hay, giải pháp thiết thực hơn.

Kể từ khi tổ chức thảo luận tổ trước kỳ họp, thời gian diễn ra kỳ họp HĐND thị xã Hồng Lĩnh được rút ngắn đi một buổi; thời lượng dành cho thảo luận hội trường được bố trí thỏa đáng hơn; các ý kiến tham gia thảo luận cũng chất lượng và sâu hơn. Có những ý kiến được minh họa khá sinh động, thuyết phục cao với địa chỉ cụ thể, số liệu rõ ràng. Từ thảo luận tổ, các vấn đề nổi cộm, xuất phát từ thực tiễn, được dư luận, cử tri quan tâm sẽ được tổng hợp lại. Đây là tiền đề quan trọng để đại diện các tổ đại biểu xây dựng nội dung tham gia thảo luận tại hội trường, giúp chất lượng ý kiến thảo luận tại hội trường được nâng lên. Nhiều nội dung được cử tri đánh giá cao vì vừa rõ ràng trách nhiệm, vừa có dẫn chứng, số liệu cụ thể, thuyết phục, góp phần quan trọng vào việc quyết định các quyết sách tại kỳ họp.

(Nguồn: Báo đại biểu nhân dân)