Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Khỏa lấp “khoảng trống” câu hỏi

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Khỏa lấp “khoảng trống” câu hỏi

Thường trực HĐND định hướng, gợi ý một số vấn đề liên quan để Tổ và đại biểu thu thập thêm thông tin, số liệu thực tế đặt câu hỏi chất vấn; quy định mỗi Tổ đại biểu chọn một số vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương, của ngành gửi về Thường trực HĐND để tổng hợp, đánh giá, lựa chọn làm câu hỏi chất vấn; khuyến khích các Ban, Tổ đại biểu chất vấn chuyên đề dựa trên các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề trình bày tại kỳ họp… những cách làm linh hoạt, sáng tạo này không chỉ khỏa lấp được “khoảng trống” câu hỏi mà còn giúp nội dung chất vấn đi vào chiều sâu hơn.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII. Ảnh: T. Lê

Và để tăng tính tích cực, chủ động của đại biểu, Thường trực HĐND có thể quy định việc tham gia chất vấn, truy vấn tại các kỳ họp là nội dung quan trọng, có trong thang điểm đánh giá xếp loại thi đua khen thưởng hàng năm về hoạt động HĐND.

Bên cạnh câu hỏi của đại biểu, Chủ tọa có thể tiếp nhận trực tiếp các câu chất vấn của cử tri gửi tới kỳ họp qua các kênh: Đường dây “nóng” tại Ban tiếp công dân; gửi thư tay, email, tin nhắn điện thoại đến thư ký hoặc Chủ tọa... Chủ tọa xem xét, quyết định lựa chọn ý kiến cử tri gửi đến để đặt câu hỏi, yêu cầu các ngành chức năng trả lời trực tiếp tại hội trường.

Khuyến khích chất vấn chuyên đề

Để hoạt động chất vấn đi vào chiều sâu, việc Thường trực HĐND khuyến khích các Ban, Tổ đại biểu chất vấn chuyên đề dựa trên các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các đoàn giám sát HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh trình bày tại kỳ họp là một gợi ý hay. Việc này vừa giúp đại biểu HĐND có đầy đủ thông tin để chất vấn; vừa tránh lãng phí trí tuệ và tâm huyết của các thành viên đoàn giám sát, đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát. Việc Ban hoặc Tổ đại biểu HĐND cùng chuẩn bị nội dung chất vấn sẽ phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể, giúp đại biểu tự tin hơn so với cá nhân đại biểu thực hiện quyền chất vấn đơn lẻ.

Giám sát chuyên đề là hoạt động rất quan trọng, chiếm nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của đại biểu. Chương trình giám sát chuyên đề hàng năm được chính HĐND ban hành nghị quyết để thực hiện trên cơ sở lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Nội hàm của nội dung giám sát chuyên đề do đó cũng bao hàm trong đó đối tượng liên quan cần chất vấn. Như vậy, đối tượng cần chất vấn cũng đã được dễ dàng khu biệt trên cơ sở chủ thể chất vấn lựa chọn chất vấn vấn đề gì. Chủ thể, đại biểu tham gia vào hoạt động giám sát chuyên đề nắm chắc vấn đề, đã tìm hiểu kỹ vấn đề và có được một lượng thông tin khá lớn về vấn đề trong suốt quá trình giám sát. Vì vậy, họ là người “nói có sách, mách có chứng” khi được giao thực hiện hoạt động chất vấn.

Như vậy, việc chọn kết quả giám sát chuyên đề trình kỳ họp để tiếp tục chất vấn tại kỳ họp đó sẽ hóa giải các câu hỏi: Chất vấn ai, chất vấn vấn đề gì và ai chất vấn. Điều này còn làm cho việc tổ chức phiên chất vấn dễ dàng, chủ động hơn.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)