Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Trả lời trực tiếp cho công dân khi cần thiết

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Trả lời trực tiếp cho công dân khi cần thiết

Tiếp công dân của đại biểu HĐND là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần sự chủ động, am hiểu và cảm thông. Tại các thời điểm, địa điểm có nhiều vấn đề bức xúc, đại biểu có thể đề nghị đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tại địa phương cùng tham dự tiếp công dân để tiếp nhận, xử lý, trả lời trực tiếp cho công dân những vấn đề liên quan khi cần thiết; phối hợp chặt với cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.

Cần sự chủ động, am hiểu, cảm thông

Tiếp công dân là một trong các nhiệm vụ rất quan trọng của đại biểu HĐND các cấp; đồng thời, là một kênh thông tin quan trọng để đại biểu HĐND nắm được tâm tư, nguyện vọng cử tri, nắm được các vấn đề còn bức xúc trong nhân dân, xem xét tính chính xác, cụ thể để có tiếng nói đề nghị các cấp, các ngành quan tâm giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cử tri.

Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai họp phiên thường kỳ lần thứ 7

Để việc tiếp công dân của đại biểu HĐND được thực hiện đúng quy định, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện Lào Cai trong các nhiệm kỳ đã bố trí cho đại biểu HĐND chuyên trách tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cùng cấp và chỉ đạo các Tổ đại biểu sắp xếp lịch cho đại biểu hoạt động không chuyên trách tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị, địa phương đại biểu ứng cử. Đại biểu HĐND cấp xã tiếp công dân tại Trụ sở UBND cấp xã. Đại biểu HĐND trong mỗi nhiệm kỳ được tập huấn, cung cấp tài liệu, hướng dẫn khai thác tài liệu trên các trang mạng chính thống để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, qua các hội nghị trao đổi kinh nghiệm của HĐND 2 cấp (cấp tỉnh - huyện và cấp huyện - xã) cho thấy, chủ yếu công dân đến các trụ sở tiếp công dân các cấp có đại biểu chuyên trách tiếp công dân. Tại các Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, gửi đơn thư không nhiều. Nguyên nhân được cho là công dân chủ yếu đến trực tiếp tại các phiên lãnh đạo UBND cấp huyện tiếp. Mặt khác, tại các Tổ đại biểu, một số đại biểu chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp công dân nên chưa tạo được niềm tin để công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo.

Thực tế cho thấy, mỗi buổi tiếp công dân, đại biểu được tiếp cận với nhiều đối tượng công dân đến phản ánh với những lý do rất đa dạng nhưng đa phần công dân khi đến trụ sở tiếp công dân đã có các thắc mắc, bức xúc, cần được phản ánh, trao đổi để làm rõ, tháo gỡ. Tiếp công dân của đại biểu HĐND là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần sự chủ động, am hiểu pháp luật, nắm chắc các diễn biến về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương, có sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu đối với công dân và sự linh hoạt của mỗi đại biểu trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, giúp cho mỗi công dân khi đến trụ sở tiếp công dân có thể giải tỏa được bức xúc, tạo tâm lý tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vào vai trò điều hành của các cấp chính quyền địa phương và tin tưởng vào trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp.

Đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cùng tham dự

Kinh nghiệm cho thấy, cùng với chủ động nghiên cứu, nắm chắc các quy định liên quan đến hoạt động tiếp dân (Luật tiếp công dân năm 2013 và Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13, ngày 15.5.2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND các cấp; Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thực hiện việc tiếp công dân của UBND các cấp), đại biểu cần chủ động nghiên cứu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là việc thực hiện các dự án có liên quan trực tiếp đến người dân.

Khi tiếp công dân, đại biểu cần có trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức, viên chức. Yêu cầu công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận thông tin của đại biểu.

Đại biểu giữ thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trình bày. Giải thích, hướng dẫn cho công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết. 

Đặc biệt, tại các thời điểm, địa điểm có nhiều vấn đề bức xúc, đại biểu có thể đề nghị đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tại địa phương cùng tham dự tiếp công dân để tiếp nhận, xử lý, trả lời trực tiếp cho công dân những vấn đề liên quan khi cần thiết. Phối hợp chặt với cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân theo đúng quy định.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)