Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Phát huy tối đa sức mạnh tập thể trong giám sát

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Phát huy tối đa sức mạnh tập thể trong giám sát

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, nhất là trong hoạt động giám sát, khảo sát, Tổ trưởng Tổ đại biểu phải đề nghị người chịu trách nhiệm phụ trách nội dung liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan, thu thập đầy đủ tài liệu cần thiết để cung cấp cho các thành viên nghiên cứu nắm chắc nội dung trước khi tổ chức giám sát, khảo sát thực tế; đồng thời, họp thống nhất phân công nhiệm vụ cho các thành viên chịu trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề cụ thể, bảo đảm phát huy tối đa sức mạnh của tập thể...

Tổ đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai tại huyện Bắc Hà giám sát việc triển khai thực hiện công tác
giải phóng mặt bằng Dự án Đường vành đai 2

Để hoạt động của Tổ đại biểu HĐND được thống nhất trên phạm vi toàn quốc, ngày 30.1.2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 629/2019/NQ-UBTVQH14 về việc hướng dẫn một số hoạt động của HĐND. Trong đó, có nội dung quy định “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND, chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND là cơ sở xác nhận tính pháp lý của văn bản do Tổ đại biểu HĐND ban hành”. Theo đó, để bảo đảm cơ sở pháp lý cho Tổ đại biểu HĐND hoạt động, Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai mỗi nhiệm kỳ đã giới thiệu chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị.

Qua đánh giá tổng kết hoạt động của HĐND cấp tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho thấy, điểm nhấn là các Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh Lào Cai hàng năm đều tổ chức được các cuộc giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri trên địa bàn; thực hiện các cuộc khảo sát khi cần thiết.

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và qua xem xét báo cáo hàng tháng, quý và cả năm của các Tổ đại biểu HĐND cũng cho thấy hoạt động của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số Tổ đại biểu HĐND hoạt động còn lúng túng, đặc biệt là Tổ đại biểu HĐND cấp huyện tổ chức giám sát chuyên đề còn hạn chế cả về số cuộc và cách thức thực hiện; giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa theo đến cùng sự việc; kết luận, kiến nghị sau giám sát còn chung chung, chưa chỉ ra thực chất vấn đề cần tháo gỡ; báo cáo hoạt động hàng tháng của một số Tổ còn sơ sài hoặc chưa chấp hành đầy đủ quy định báo cáo với Thường trực HĐND cùng cấp. Nguyên nhân chủ yếu được cho là hoạt động của Tổ đại biểu chưa có cán bộ giúp việc hiệu quả; các thành viên của Tổ đảm nhận các vị trí công tác chuyên môn khác nhau cả về công việc và địa bàn công tác, vì vậy nếu không có sự trao đổi thường xuyên rất khó để thống nhất thời gian thực hiện các công việc chung của Tổ.

Thu thập tài liệu cần thiết trước khi giám sát, khảo sát

Kinh nghiệm cho thấy, ngay từ đầu khóa, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND cần phân công công việc cụ thể cho các thành viên như: Phụ trách một số địa bàn để duy trì mối liên hệ công tác, thăm nắm việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri; thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Tổ đại biểu HĐND. Hàng năm, đề nghị các thành viên Tổ đại biểu HĐND chủ động đề xuất nội dung giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên, khảo sát khi cần thiết, để Tổ đại biểu thống nhất, lựa chọn nội dung giám sát, khảo sát phù hợp. Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên của Tổ đại biểu HĐND thường xuyên duy trì thông tin để thống nhất thực hiện các công việc chung của Tổ đại biểu, bảo đảm các thành viên bố trí thời gian phù hợp tham gia các hoạt động chung của Tổ.

Khi thực hiện các cuộc giám sát, khảo sát, Tổ trưởng Tổ đại biểu phải đề nghị người chịu trách nhiệm phụ trách nội dung liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan, thu thập đầy đủ tài liệu cần thiết để cung cấp cho các thành viên nghiên cứu nắm chắc nội dung trước khi tổ chức giám sát, khảo sát thực tế; đồng thời, Tổ đại biểu HĐND họp thống nhất phân công nhiệm vụ cho các thành viên chịu trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề cụ thể, bảo đảm phát huy tối đa sức mạnh của tập thể trong thực hiện giám sát, khảo sát. Báo cáo giám sát, khảo sát của Tổ đại biểu trước khi phát hành phải được các thành viên của Tổ đại biểu và cả người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát, khảo sát thống nhất nội dung, bảo đảm các nhận định, kết luận, kiến nghị đều khách quan, dân chủ, phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, phát huy tối đa các mối quan hệ công tác giữa Tổ đại biểu HĐND với Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng HĐND và UBND nơi bầu cử để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Bảo đảm hoạt động của Tổ đại biểu hiệu quả, khách quan, đúng luật, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng cử tri trên địa bàn. Tổ đại biểu HĐND cần chủ động đề nghị Văn phòng HĐND - UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên địa bàn bầu cử cung cấp các báo cáo liên quan về thực hiện nghị quyết của HĐND để Tổ đại biểu nghiên cứu, nắm chắc mọi diễn biến trên địa bàn, tạo điều kiện cho Tổ đại biểu và đại biểu HĐND có tiếng nói đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)