Publicador de contenidos

Publicador de contenidos

Publicador de contenidos

null Đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Chi tiết bài viết Tin tức

Đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã tham gia thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện các dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham dự phiên thảo luận tại Tổ 14, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 14. Ảnh: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Góp ý vào Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Lê Quốc Phong (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản hiện còn nhiều hạn chế, chưa đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân các sinh viên, nhà khoa học trẻ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu.

Để tháo gỡ những bất cập này, đại biểu đề xuất cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn, cả về cơ sở vật chất và con người. Cụ thể, cần miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản; đồng thời, bảo đảm thu nhập và môi trường làm việc ổn định cho đội ngũ nghiên cứu để họ yên tâm gắn bó lâu dài.

Liên quan đến hoạt động của các tạp chí khoa học, đại biểu nhất trí với quan điểm không nên “báo hóa” tạp chí khoa học mà cần xem đây là sản phẩm học thuật thuần túy. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng khoa học và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến học thuật có giá trị trong khu vực.

Về nguồn lực đầu tư, đại biểu thống nhất với đề xuất dành ít nhất 3% ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 57. Đại biểu cũng cho rằng cần luật hóa cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển (R&D), đặc biệt là quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 40% chi phí nghiên cứu cho doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Quốc Phong góp ý Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trên cơ sở đó, đại biểu nhấn mạnh, cần sớm triển khai các điều khoản mang tính đột phá trong luật, đồng thời rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực tiễn.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) góp ý nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đại biểu cho rằng, việc quy định duy nhất một cơ quan pháp quy hạt nhân là phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhưng cần có quy định mở để linh hoạt điều chỉnh trong tương lai.

Đại biểu đề nghị tham khảo mô hình cơ quan pháp quy của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc để áp dụng hiệu quả, đồng thời cần có đơn vị tư vấn, giám sát độc lập khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Về phát triển nhân lực, đại biểu lưu ý cần cân nhắc quy định chế độ phụ cấp lương nhằm tránh can thiệp sâu vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, đại biểu tán thành với chủ trương xã hội hóa lĩnh vực năng lượng nguyên tử, tuy nhiên phải kiểm soát chặt chẽ an toàn bức xạ. Đồng thời, kiến nghị rà soát quy định liên quan đến khai thác khoáng sản phóng xạ để tránh chồng chéo pháp luật và sớm làm rõ cơ chế bồi thường khi xảy ra sự cố hạt nhân.

Khải Hân