Innehållspublicerare

Innehållspublicerare

Innehållspublicerare

null Xử lý chất thải rắn tỷ lệ chôn lấp dưới 30% được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Chi tiết bài viết Tin tức

Xử lý chất thải rắn tỷ lệ chôn lấp dưới 30% được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong việc xử lý chất thải rắn để đảm bảo việc thực hiện tuần hoàn chất thải; giảm áp lực cho công tác thu gom và chôn lấp chất thải, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng nhằm thực hiện tốt các mô hình kinh tế tuần hoàn ở địa phương. Về kiến nghị này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có văn bản báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri tỉnh Đồng Tháp.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình kinh tế tuần hoàn ở đô thị.

Bên cạnh đó, Quyết định số 222/QĐ-TTg, các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến tiêu chí kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Hiện nay, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trên toàn quốc tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 96,46%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý đạt 77,24%.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ, pháp luật về bảo vệ môi trường đã quy định ưu đãi đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định ưu đãi về vốn, đất đai, thuế, phí, khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, thân thiện môi trường; đồng thời thúc đẩy đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế nhằm giảm thiểu lượng chất thải phải chôn lấp.

Nghị định số 05/2025/NĐ-CP cũng đã cụ thể hóa các ưu đãi, hỗ trợ trong công tác xử lý chất thải. Theo đó, các dự án xử lý rác thải áp dụng công nghệ tiên tiến, có tỷ lệ chất thải chôn lấp sau xử lý dưới 30% tổng lượng chất thải thu gom sẽ được vay vốn ưu đãi với lãi suất tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước, tổng mức vay không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư xây dựng công trình và được xem xét hỗ trợ sau đầu tư từ nguồn chênh lệch thu – chi hàng năm.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó xác định nông nghiệp và môi trường là những lĩnh vực ưu tiên để triển khai thí điểm mô hình tuần hoàn chất thải.

Bộ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép nội dung kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng và các hoạt động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Đồng thời, tăng cường trao đổi, hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài để tiếp cận nguồn lực, công nghệ và tri thức phục vụ triển khai các dự án kinh tế tuần hoàn thân thiện môi trường.

Ngoài ra, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp thông qua cơ chế đối thoại công – tư, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thực tiễn, từ đó hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn tại địa phương.

Nguồn: 4308/BNNMT-MT

MD