Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Câu chuyện về lòng tự hào

Chi tiết bài viết Giới thiệu

Câu chuyện về lòng tự hào

Có lần, đọc một quyển sách thấy tác giả nói về cách tuyển dụng nhân viên của một doanh nghiệp có nhiều điều đáng suy ngẫm. Khi một nhân viên mới gia nhập thì điều đầu tiên xảy ra đó là họ được nghe kể câu chuyện về doanh nghiệp đã bắt đầu như thế nào, những thử thách doanh nghiệp đã phải vượt qua, cách thức doanh nghiệp đạt tới vị trí hiện nay, và doanh nghiệp sẽ đi đến đâu trong tương lai... Ngoài ra, họ còn được giới thiệu những hình ảnh, hiện vật làm nên truyền thống của doanh nghiệp.

Ngẫm lại câu chuyện trên có nhiều điều thú vị. Hình như chúng ta ít quan tâm cách thức khi tuyển dụng nhân viên, công chức mới. Điều thường làm từ trước đến giờ là, bên tuyển dụng xem xét thông tin về nhân thân của nhân viên kèm theo kiến thức, kỹ năng, được chứng minh bằng bằng cấp, giấy chứng nhận. Ngược lại, nhân viên mới thì quan tâm đến công việc kèm theo tiền lương, thu nhập. Hình như có ai "rảnh rỗi" đâu mà ở đó kể hoặc nghe kể chuyện này chuyện nọ, tất cả hình như chỉ đơn giản là quan hệ giữa một bên là "cần người làm việc" và một bên là "cần việc làm". 

Đúng là ai đi làm việc mà không mong muốn có công việc ổn định, phù hợp với ngành nghề chuyên môn, có mức thu nhập phù hợp. Tuy nhiên, đối với nhiều người, làm việc còn có ý nghĩa cao hơn nữa là mong muốn đóng góp giá trị gì đó, trước hết là cho tổ chức của mình, xa hơn nữa là cho xã hội. Động lực làm việc không phải đơn giản chỉ vì chuyện tiền nong, mà còn là niềm tự hào, sự đam mê, lòng khát vọng được cống hiến. Vậy, người lãnh đạo tổ chức là người biết khơi gợi những giá trị tiềm ẩn đó ở mỗi nhân viên của mình. Hình như đối với nhiều lãnh đạo tổ chức, xem nhân viên chỉ là người có thể tận dụng hết sức lực, chỉ biết chấp hành mệnh lệnh từ bên trên. Có người còn ví von, nhân viên chỉ biết làm việc theo kế hoạch ai đó đã "lập trình" sẵn. Và như vậy, nhân viên có khác gì là rô-bốt?!?

Người lãnh đạo nào cũng mong muốn nhân viên của mình làm việc với hiệu suất, năng suất cao nhất để đem lại thành tích cho tổ chức. Nhưng sẽ khó mà có được hiệu suất, năng suất cao một khi nhân viên làm việc thiếu động lực, không có niềm hứng khởi, nhất là không nhận ra giá trị công việc của mình đang hoặc sẽ làm. Một khi không nhận thấy được giá trị công việc thì sẽ không thấy tự hào. Không có lòng tự hào thì công việc trở nên đơn điệu, nhàm chán, vô hồn, chỉ biết "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".

Lòng tự hào vốn tồn tại sẵn trong mỗi con người, như máu thịt, như hơi thở. Vấn đề là làm cách nào người lãnh đạo tổ chức biết cách khơi gợi lên mà thôi. Một khi có lòng tự hào thì những khẩu hiệu "phụng sự quốc gia, phục vụ người dân" trở thành ý thức và hành động tự thân của mỗi người. Nhưng trước hết, lòng tự hào đó phải từ những công việc nhỏ trong mỗi tổ chức, như được nghe câu chuyện kể về tổ chức mà mình phục vụ. Nhớ lại một câu khẩu hiệu được đặt trang trọng tại một trường đào tạo công chức ở một đất nước nọ: "Được phục vụ quốc gia là niềm tự hào của tôi . Thật đơn giản, ngắn gọn, xúc tích nhưng rất mạnh mẽ, ẩn chứa nhiều cảm xúc. Câu chuyện kể sẽ dần chuyển từ niềm tự hào nho nhỏ là được làm việc cho tổ chức cho đến niềm tự hào lớn lao hơn là được phục vụ cho đất nước. Và kết quả là đội ngũ công chức của đất nước đó tạo dựng nên một nền hành chính được cả thế giới ngưỡng mộ về tính chính trực, liêm khiết, phục vụ.

Thế giới đang thay đổi thay đổi nhanh chóng. Những cái mới chưa kịp định hình thì đã có cái mới hơn xuất hiện rồi. Công nghệ mới liên tục xuất hiện thay thế công nghệ cũ. Cách thức và môi trường làm việc cũng phải thay đổi để thích ứng nếu không muốn dậm chân tại chỗ. Lòng tự hào chỉ có được một khi mỗi nhân viên hiểu được tường tận tổ chức của mình, thấy hảnh diện và hạnh phúc khi được làm việc trong một tổ chức có bề dầy truyền thống, mang đậm tính văn hoá, nhân văn. Lòng tự hào chỉ có được một khi người lãnh đạo, quản lý biết tạo ra môi trường mà trong đó nhân viên thấy mình được tôn trọng, cảm nhận được rằng kết quả công việc của mình được đánh giá đúng. Lòng tự hào chỉ có được khi nhân viên được làm việc trong một tổ chức mọi người tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau, tất cả cùng hướng về mục tiêu chung, không có chỗ cho những so đo, kèn cựa, định kiến, hẹp hòi.

Niềm hạnh phúc không thể đến trong môi trường làm việc mà nhân viên cảm nhận rằng, mình chỉ là "cái máy" để người khác vận hành. Nhân viên làm việc cần có môi trường tương tác trên - dưới, ngang - dọc, chứ không chỉ một chiều mệnh lệnh - thừa hành. Nhân viên không chỉ cần kết nối trong nội bộ, mà còn cần kết nối với xã hội. Một khi được tương tác thì nhân viên thấy mình được trưởng thành hơn, công việc thuận lợi hơn.

Hãy cùng nhau xây dựng, vun đắp và biến lòng tự hào thành hành động!

Xích Lô