Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tin tức

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Đồng Tháp

Với nỗ lực không ngừng thời gian qua, ngành giáo dục Đồng Tháp đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh những giải pháp đổi mới, đột phá, ngành giáo dục Đồng Tháp cũng chú trọng phát triển các mô hình, cách làm mới để nâng cao chất lượng giáo dục

Với nỗ lực không ngừng thời gian qua, ngành giáo dục Đồng Tháp đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh những giải pháp đổi mới, đột phá, ngành giáo dục Đồng Tháp cũng chú trọng phát triển các mô hình, cách làm mới để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11, Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông! Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong việc nâng cao chất lượng giáo dục thời gian qua của tỉnh?

Ông Nguyễn Minh Tâm: Thời gian qua, ngành giáo dục Đồng Tháp đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn và đã đạt được một số kết quả: Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông được quy hoạch, đầu tư và sắp xếp hợp lý, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được đầu tư, trang bị theo hướng chuẩn hóa đã tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.

Nhiều chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt và vượt.

Chất lượng giáo dục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nâng cao chất lượng phát triển thực chất, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giữa thành thị và nông thôn trong tỉnh, giữa tỉnh nhà với các địa phương bạn có điều kiện phát triển cao hơn.

Một số chỉ tiêu địa phương thực hiện vượt mặt bằng chung của khu vực: Số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, khu vực; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, đỗ vào các trường đại học. Đặc biệt, năm 2018 tỉnh có 01 học sinh đạt Huy chương Đồng trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và công chức, viên chức quản lý giáo dục trong toàn tỉnh được xây dựng và phát triển theo hướng phấn đấu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chuẩn hóa về đào tạo. Đến tháng 10/2019, 100% công chức, viên chức quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên 90% vượt chuẩn đào tạo.

Công tác xây dựng Đảng trong ngành được quan tâm, hiện nay 100% các trường học và cơ sở giáo dục đều có tổ chức cơ sở Đảng, trên 99,9% công chức, viên chức quản lý và khoảng 60% giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục là đảng viên.

Trong 05 năm qua, ngành giáo dục tỉnh nhà 03 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ "Đơn vị tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”".

Phóng viên: Bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục Đồng Tháp cũng chú trọng phát triển các mô hình, cách làm mới trong quản lý; nâng cao chất lượng giáo dục; giáo dục kỹ năng sống, phát triển toàn diện cho học sinh v.v.. Ông có thể cho biết một số mô hình, cách làm mới tại Đồng Tháp mà ngành giáo dục thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Minh Tâm: Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh nhà đã thực hiện một số cách làm mới và bước đầu nhận được sự đồng thuận của dư luận trong và ngoài ngành.

Thứ nhất, về quản lý chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường phân cấp cho các trường trong việc thực hiện chương trình dạy học; Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chủ động chỉ đạo thực hiện chương trình trên cơ sở chuẩn kiến thức và kỹ năng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá được tiếp tục thực hiện theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học.

Cùng với đó là đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ có giáo viên người nước ngoài giảng dạy; chỉ đạo dạy và học trong các trường phổ thông tiệm cận với quan điểm của Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, về quản lý tài chính, bên cạnh việc phân cấp mạnh cho Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tự chủ về tài chính, Sở đã phân bổ kinh phí cho các đơn vị trực thuộc theo số lớp, có tính hệ số đối với các đơn vị vùng sâu, vùng xa. Việc phân bổ kinh phí như trên khắc phục được tính “bình quân”, tạo điều kiện cho các đơn vị - nhất là các đơn vị vùng sâu, vùng xa có điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.

Để phòng chống các biểu hiện “lạm thu” trong nhà trường, việc thu các khoản đóng góp cũng được điều chỉnh, giáo viên không trực tiếp thu các khoản từ học sinh mình chủ nhiệm. Việc thu các khoản đóng góp của học sinh và cha mẹ các em qua ngân hàng cũng đang được thực hiện ở một số cơ sở giáo dục có điều kiện.

Thứ ba, công khai và minh bạch trong thuyên chuyển, tuyển dụng viên chức ngành giáo dục từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của các ứng viên.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho học sinh bằng các biện pháp phù hợp. Sở đã ban hành quy trình xử lý bạo lực học đường và phổ biến rộng rãi đến các cơ sở giáo dục để quán triệt, thực hiện.

Phóng viên: Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa đưa trên 500 giáo viên chủ chốt đi bồi dưỡng về Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với hoạt động trên, ngành giáo dục đã có tâm thế và sự chuẩn bị gì trước yêu cầu đổi mới và hội nhập sắp tới?

Ông Nguyễn Minh Tâm: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục tỉnh nhà trong thời gian tới đó là triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo lộ trình của Chính phủ từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2024 - 2025.

Việc đưa công chức, viên chức quản lý và giáo viên chủ chốt đi dự tập huấn do Bộ tổ chức để làm nòng cốt khi triển khai thực hiện tại địa phương chỉ là một trong nhiều việc mà ngành phải thực hiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo lộ trình của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, ngành phải thực hiện tốt việc truyền thông để xã hội biết về chủ trương này và đồng thuận, nhất là trong tình hình nhiều bộ sách giáo khoa được phép sử dụng, việc chọn lựa bộ sách nào để áp dụng trong tỉnh là việc rất cần sự đồng thuận của các ngành, các cấp và người dân. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ nhà giáo, công chức, viên chức quản lý giáo dục tham gia thực hiện là những việc mà ngành cần tập trung thực hiện.

Việc thực hiện Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 với nhiều thay đổi về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; lộ trình miễn giảm học phí cấp trung học cơ sở cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.

Phóng viên: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11, ông muốn gửi gắm thông điệp gì đến đội ngũ nhà giáo Đất Sen hồng?

Ông Nguyễn Minh Tâm: Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn toàn thể nhà giáo, công chức, viên chức quản lý và người lao động ngành giáo dục tỉnh nhà đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ dạy học trong thời gian qua.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11 năm nay, thay mặt cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, tôi xin gửi lời chúc mừng đến toàn thể nhà giáo, công chức, viên chức quản lý và người lao động ngành giáo dục tỉnh nhà và mong rằng trong thời gian tới, quý thầy cô, anh chị em tiếp tục nâng cao bản lĩnh, trình độ nghề nghiệp để tiếp thu những vấn đề mới của giáo dục nước nhà, vận dụng tốt vào thực tế giảng dạy, quản lý, công tác, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, triển khai thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!