Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Phong tỏa tài khoản từ khâu thanh tra: Rất kịp thời

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Phong tỏa tài khoản từ khâu thanh tra: Rất kịp thời

Đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản quá nhanh, cho nên áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay khi phát hiện tham nhũng là rất cần thiết và kịp thời.   

Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Ban Bí thư vừa ban hành nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định, Chỉ thị của Ban Bí thư hết sức kịp thời bởi thực tế, đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản rất nhanh, trong khi quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ án tham nhũng thường diễn ra tương đối dài. Chính vì thế, rất cần thực hiện sớm các biện pháp ngăn ngừa việc tẩu tán  tài sản do tham nhũng mà có.

Đại biểu Hòa cũng cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang được Đảng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đạt được nhiều kết quả rõ nét, để lại dấu ấn rất tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong lòng nhân dân.

Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng giảm, tạo niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn, thậm chí có chiều hướng phát triển hơn và đi vào chiều sâu, kín đáo hơn, tinh vi hơn.

Thu hồi tài sản là mục tiêu trong án tham nhũng

"Đây là một trong những hành vi lũng đoạn, mất lòng tin của người dân. Cho nên, phòng chống  tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là tham nhũng là vô cùng quan trọng trong thời kỳ hiện nay, đồng thời trừng trị thích đáng đối với những đối tượng tham nhũng, làm thất thoát tài sản Nhà nước và nhân dân", ông Hòa nói.

Vị đại biểu cũng chỉ ra thực tế, tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thấp. Trong một số vụ việc phải thi hành án, tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án ít nhưng số tiền phải thi hành rất lớn. Điển hình là vụ việc thi hành án đối với Huỳnh Thị Huyền Như. Theo bản án của tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM, tổng số tiền bị cáo phải thi hành là gần 14.000 tỷ đồng, tuy nhiên, tổng tài sản đã kê biên, phong tỏa để đảm bảo thi hành án chỉ có giá trị khoảng hơn 500 tỷ đồng, số còn lại khoảng 13.500 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành án. Nhiều vụ việc khác cũng tương tự như vậy. 

"Việc kê biên, phong tỏa, thu hồi tài sản do phạm tội mà có thời gian qua còn nhiều khó khăn do kẽ hở của pháp luật.

Phần lớn đối tượng tham ô, tham nhũng khi thực hiện hành vi này đã tính toán từ trước, tẩu tán sớm tài sản bằng nhiều hình thức tinh vi như nhờ người khác đứng tên, tẩu tán ra nước ngoài... Luật pháp Việt Nam đã quy định rõ, tài sản cá nhân của công dân là bất khả xâm phạm, cho nên trong nhiều vụ việc, biết đó là tài sản được đối tượng tham nhũng để con cái, người thân đứng tên mà rất khó xử lý", đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.

Cho nên, Chỉ thị của Ban Bí thư đã chấn chỉnh lại công tác này, đặc biệt giao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

"Với động thái này, cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở để áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế. Còn như trước đây, khi tòa tuyên án, cơ quan thi hành án mới tiến hành xác minh tài sản để thi hành án. Đến thời điểm đó, thậm chí khi khởi tố vụ án, các đối tượng tham nhũng đã tẩu tán tài sản xong rồi, và họ chỉ còn đứng tên rất ít hoặc không còn tài sản nào nữa, việc thu hồi tài sản vì thế vô cùng khó khăn", vị đại biểu nêu rõ.

Để ngăn chặn tẩu tán tài sản, thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng có một biện pháp cần thiết khác đó là xem xét, cân nhắc xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Có luật này, ông tin rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng.

Vị đại biểu nhắc lại vụ AVG, ông cựu Bộ trưởng khai có chuyển tiền cho con gái, nhưng người con đó lại không thừa nhận. Đây là một kẽ hở của luật pháp, cần có giải pháp hữu hiệu để bịt lại, để góp phần ngăn chặn tẩu tán tài sản và có cơ sở để truy cứu, thu hồi được tài sản tham nhũng. Tất nhiên, ông cũng lưu ý, khi xây dựng luật này cũng cần phải xem xét, cân nhắc một cách thận trọng để không vi phạm quyền công dân trong việc bảo lưu tài sản, sở hữu tài sản.

"Có làm như vậy mới ngăn chặn được tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, cũng là giải pháp để người ta không thể, không muốn và không dám tham nhũng", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

(Nguồn: Đất Việt)