Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ dự án phát triển sản xuất mua sắm hàng hóa

Chi tiết bài viết Tin tức

Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ dự án phát triển sản xuất mua sắm hàng hóa

Thảo luận tại tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp) về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, sáng nay, 16.1, các ĐBQH cho rằng, đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Đấu thầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ dự án phát triển sản xuất có thể tự chủ, chủ động hơn và phát huy hiệu quả tốt nhất trong triển khai các dự án ở địa phương.

Tăng cường chỉ đạo, điều hành để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn

Đa số ĐBQH tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia do kết quả triển khai thực hiện các Chương trình còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm. Một số ý kiến cho rằng, các giải pháp trong dự thảo Nghị quyết về cơ bản sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã chỉ rõ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình. Trong khi đó, đây là các Chương trình mang tính nhân văn, tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc đề xuất giải pháp đặc thù này bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện và phù hợp với chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn khi thời gian từ nay đến năm 2025 không còn nhiều và dù có các cơ chế, chính sách đặc thù, thì vấn đề giải ngân vẫn còn tiếp tục dự báo sẽ khó khăn do khối lượng công việc lớn. Vì vậy, đại biểu đề nghị, để Nghị quyết của Quốc hội khi ban hành đi thực chất vào cuộc sống, Chính phủ cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là trong giải ngân vốn. Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện để Nhân dân sớm được thụ hưởng những chính sách nhân văn này của Đảng và Nhà nước.

Việc bắt buộc phải thực hiện các quy trình đấu thầu gặp nhiều khó khăn

Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Đấu thầu. Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bổ sung đối tượng được tự thực hiện mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước).

Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa để bàn giao lại chủ dự án, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu.

Đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga (Đồng Tháp) phát biểu

Thể hiện sự đồng tình cao với đề xuất này, ĐBQH Hà Thị Nga (Đồng Tháp) chỉ rõ, thực tế, các đối tượng chủ dự án phát triển sản xuất đều là đối tượng ngoài nhà nước, việc bắt buộc phải thực hiện các quy trình đấu thầu gặp nhiều khó khăn, nhất là với người dân không thuộc đối tượng “bên mời thầu” theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu để thực hiện các quy trình đấu thầu theo quy định.

Bên cạnh đó, hàng hóa để thực hiện hoạt động phát triển sản xuất không chỉ được đầu tư từ ngân sách nhà nước mà còn được đầu tư từ nguồn vốn tự có của chủ dự án. Nếu bắt buộc chủ dự án phải thực hiện các quy định về đấu thầu mua sắm với cả nguồn vốn tự có sẽ không thu hút được các đối tượng này tham gia thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng nông thôn, vùng khó khăn.

Do đó, quy định như dự thảo Nghị quyết sẽ góp phần rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ dự án phát triển sản xuất có thể tự chủ, chủ động hơn và phát huy được hiệu quả tốt nhất trong triển khai các dự án ở địa phương.

Ngoài ra, đại biểu Hà Thị Nga cũng nhất trí với quan điểm cần nghiên cứu thêm về cơ chế tạm ứng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và cơ chế, thủ tục đặc thù thanh toán, quyết toán vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là với các trường hợp dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng do cộng đồng tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)