Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Nên ban hành Nghị quyết vùng sẽ phù hợp, tránh so bì giữa các tỉnh

Chi tiết bài viết Tin tức

Nên ban hành Nghị quyết vùng sẽ phù hợp, tránh so bì giữa các tỉnh

Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế vào sáng ngày 27/10, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ đồng tình với việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hoá Nghị quyết của Bộ Chính trị để các tỉnh, thành phố thuận lợi về mặt pháp lý để thực hiện.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hòa, mỗi tỉnh có tính chất, đặc điểm riêng, sau khi tổng kết thí điểm của các tỉnh này sẽ lan rộng ra một số tỉnh khác, có thể sẽ không công bằng với tỉnh nhỏ có khó khăn riêng. Đại biểu đề xuất nên ban hành Nghị quyết vùng sẽ phù hợp, tránh so bì giữa các tỉnh thay vì cho cơ chế riêng mỗi tỉnh. Như Đồng bằng sông Cửu Long đã có Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, thí điểm nâng lên thành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù chung.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại điểm cầu Đồng Tháp

Về chính sách dư nợ vay, đây cũng là nội dung đại biểu Hòa băn khoăn, đại biểu đề nghị Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa đều được vay như nhau, không thể Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay 40% còn Thanh Hóa 60%. Riêng thành phố Hải Phòng, đại biểu đồng ý như dự thảo Nghị quyết vì cho rằng khoản thu ngân sách hàng năm của Hải Phòng cao, khả năng trả nợ vay thuận lợi. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính quan tâm kiểm tra, giám sát đề phòng các tỉnh thành lâp dự toán thấp để được hưởng số tăng thu.

Về thu từ xử lý nhà, đất, đại biểu đồng ý như dự thảo Nghị quyết, ngân sách tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công với điều kiện trừ đi chi phí liên quan như: chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất ở địa điểm mới... Đại biểu đề nghị làm rõ vì sao thành phố Hải Phòng và Nghệ An không được đề cập đến cơ chế này.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cân nhắc việc chi trả thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hải Phòng. Về lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, đề nghị cân nhắc cho phép các tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách tỉnh hỗ trợ cho Huế trùng tu, bảo tồn di sản cố đô; cân nhắc dùng ngân sách Nhà nước để cải tạo nâng cấp công trình tư nhân, vì có thể dẫn đến tiêu cực.

Đặc biệt quan tâm quy định về quản lý đất đai trong dự thảo Nghị quyết, cho phép tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 50 ha và rừng sản xuất dưới 1000 ha. Đây là chính sách đặc thù rất đặc biệt, tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư và người dân được hưởng lợi từ chính sách này. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc thận trọng, vì rừng đặc dụng gần 50ha, đất lúa gần 500 ha là quá lớn sẽ ảnh hưởng tác động đến môi trường nghiêm trọng, tương tự mất đất lúa ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Do đó, đại biểu đề nghị cho phép về cơ chế nhưng qui mô thấp hơn, mức do Chính phủ qui định. Các tỉnh, thành phố không có cơ chế đăc thù 10ha phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phải thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm bảo đảm tính bền vững cho an ninh lương thực và môi trường. Cũng cần quy định trong thời kỳ 5 năm được chuyển mục đích sử dụng đất mấy lần, tránh trường hợp xé lẻ ra nhiều dự án đầu tư mà không thông qua Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, sáng 22/10, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại tổ về 4 dự thảo Nghị quyết này.

Khải Hân