Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến

Chi tiết bài viết Tin tức

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) trả lời kiến nghị cử tri về giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, báo, đài. Nhất là các quảng cáo do nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo không đúng sự thật về công dụng của các loại thực phẩm chức năng, thổi phồng công dụng những sản phẩm quảng cáo có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ TTTT đã triển khai các biện pháp như: rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là facebook, youtube, tiktok; yêu cầu facebook, google, tiktok chặn gỡ các quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, không cho phép quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, cơ sở khám chữa bệnh... chưa được cấp phép; xây dựng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để rà quét quảng cáo và tài khoản quảng cáo có vi phạm để có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ triệt để; yêu cầu các báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp và đại lý quảng cáo trong nước rà soát, kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới, kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm.

Đối với quảng cáo trên các Đài phát thanh, truyền hình, Bộ TTTT kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về giấy phép báo chí, giấy phép sản xuất kênh truyền hình, kênh phát thanh; thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, phối hợp với Bộ, ngành, Sở TTTT quản lý hoạt động của các Đài Phát thanh, truyền hình trong hoạt động quảng cáo. Bộ TTTT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để theo dõi, xử lý các sản phẩm quảng cáo liên quan đến an toàn thực phẩm, y tế theo quy định.

Đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai công dụng, tính năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và quyền lợi của người dân, bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, Bộ TTTT đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy chế xử lý các nghệ sỹ, người của công chúng, người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục... theo hướng hạn chế biểu diễn, phát sóng, quảng bá thông tin, hình ảnh, hoạt động của người vi phạm trên báo đài, không gian mạng.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến; chỉ đạo Sở TTTT phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương rà quét, truy vết, xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý nghiêm các nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai công dụng, tính năng; kiên quyết yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các quảng cáo, tài khoản quảng cáo vi phạm; không đặt quảng cáo của nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam vào nội dung vi phạm pháp luật; phối hợp cung cấp thông tin của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác khi tiếp cận với các thông tin quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu thổi phồng công dụng và hiệu quả, hoặc gian dối, lừa đảo…

Nguồn: 810/BTTT-VP

HH