Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Tiếp tục có các biện pháp bình ổn giá xăng dầu và các mặt hàng vật tư nông nghiệp

Trang chủ Tin tức

Tiếp tục có các biện pháp bình ổn giá xăng dầu và các mặt hàng vật tư nông nghiệp

Tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất liên tục tăng trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Đây là nội dung được nhiều cử tri quan tâm kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành trung ương có giải pháp hiệu quả hơn, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân Tỉnh.

Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có văn bản trả lời như sau:

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế thế giới và cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đã khiến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu hạn chế, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, xu hướng gia tăng lạm phát tại nhiều nước trên thế giới... đã tác động khiến giá các măt hàng xăng dầu, gas, vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi...ở thị trường trong nước tăng cao so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm góp phần bình ổn giá, hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân và người dân vượt qua khó khăn.

Đối với mặt hàng phân bón, Bộ Công thương đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá tình hình sản xuất, nắm bắt tình hình biến động giá cả trong nước và thế giới, tình hình cung ứng phân bón ra thị trường, các biện pháp chỉ đạo điều hành hạn chế xuất khẩu phân bón, cung ứng tối đa cho thị trường nội địa....

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá), để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn và tiếp tục giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 08 tháng 7 năm 2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu để có cơ sở bình ổn giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong trường hợp giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.

Nguồn: 4951/BCT-KH

Huỳnh Hoa