Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Giải quyết bài toán về biên chế giáo viên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Giải quyết bài toán về biên chế giáo viên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Trước tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học như hiện nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thì vấn đề thừa - thiếu cục bộ không phải là vấn đề mới, vì đã được đề cập tới từ nhiều năm nay, để giải bài toán về biên chế giáo viên cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.  

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; thiếu 94.714 giáo viên ở cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật...

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên đang đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, để giải bài toán về biên chế giáo viên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Phóng viên: Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên ở cấp Tiểu học, THCS, THPT; thiếu 94.714 giáo viên ở cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT. Vậy qua hoạt động giám sát của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Báo cáo của Bộ Giáo dục đã phản ánh đúng tình hình thực tế mà chúng tôi đã thu nhận được qua hoạt động giám sát của Uỷ ban. Bàn về câu chuyện thừa, thiếu giáo viên, tôi cho rằng vấn đề này cần được tiếp cận trên cả hai bình diện: Thừa thiếu cục bộ và thiếu tổng thể. Thừa, thiếu cục bộ không phải là vấn đề mới, vì đã được đề cập tới từ nhiều năm nay: nơi này thừa, nơi kia thiếu; cấp này thừa, cấp kia thiếu; môn này thừa môn kia thiếu…

Trong thời điểm này, tôi quan tâm nhiều hơn tới vấn đề thiếu tổng thể một số lượng lớn giáo viên mầm non và phổ thông. Theo số liệu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, tổng số giáo viên dự kiến thiếu là 94.714 nhưng lại không đồng đều giữa các cấp học: Bậc Mầm non thiếu 48.718 giáo viên (51,4%); Tiểu học thiếu 20.210 giáo viên (21,3%); Trung học cơ sở thiếu 14.653 giáo viên (15,5%); Trung học phổ thông thiếu 11.133 giáo viên (11,8%).

Như vậy, thiếu giáo viên là tình trạng chung của hầu hết các tỉnh, thành phố; chẳng hạn như số giáo viên còn thiếu của Nghệ An là 7.843 giáo viên; Hà Giang là 1.700 giáo viên; Sơn La là 2.800 giáo viên, Hải Phòng là 1.572 giáo viên; Quảng Bình là 1.000 giáo viên, Kon Tum là 1.600 giáo viên; Gia Lai hơn 3.700 giáo viên… Giải bài toán này không hề đơn giản, nhất là trong thời điểm mà chủ trương tinh giản biên chế vẫn tiếp tục được triển khai một cách quyết liệt.

Phóng viên: Theo bà, đâu là nguyên nhân chính làm cho vấn đề thiếu giáo viên trở nên trầm trọng và vấn đề nào đang đặt ra liên quan bài toán biên chế giáo viên?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Theo tôi, thứ nhất là việc tăng giảm giáo viên xuất phát từ vấn đề di cư lao động từ nông thôn tới các khu đô thị, các khu công nghiệp. Trên thực tế, tình trạng chung ở khu vực nông thôn là giảm số học sinh, dẫn tới giảm quy mô số lớp. Nhiều địa phương phải sáp nhập các trường học; trong khi sự gia tăng dân số cơ học kéo theo nhu cầu mở thêm trường học, xây thêm phòng học đang là một thách thức lớn đối với các thành phố lớn, các địa phương có khu công nghiệp.

Thứ hai, nhu cầu bổ sung giáo viên mầm non là nhằm thực hiện mục tiêu phổ cập Mầm non 5 tuổi và tăng tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp. Đây là lý do số giáo viên mầm non thiếu chiếm tỷ lệ tới 51% (48.718 người) trong tổng số giáo viên cần được bổ sung (94.714 người).

Thứ ba là nhu cầu bổ sung giáo viên chủ yếu để đáp ứng việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: dạy hai buổi/ngày cho bậc Tiểu học; dạy môn học mới được đưa chính thức vào Chương trình như Ngoại ngữ, Tin học ở Tiểu học, Nghệ thuật ở THPT.

Vấn đề đặt ra ở đây là nhu cầu tăng giáo viên đang gặp khó trong bối cảnh triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Đảng về chủ trương tinh giản biên chế. Ngành Giáo dục đề xuất tăng giáo viên để phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông chính, cụ thể hoá chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Còn ngành Nội vụ chịu trách nhiệm tham mưu tinh giảm 10% biên chế để giảm số người hưởng lợi từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, biên chế giáo viên không thể không giảm, vì trong tổng biên chế sự nghiệp (2,3 triệu), ngành giáo dục là 1,2 triệu (chiếm 52%) và trong quỹ lương khối sự nghiệp, ngành giáo dục chiếm phần lớn, ở mức hơn 70%. Đây là mấu chốt của sự “ khúc mắc” giữa hai cơ quan chuyên môn là ngành Giáo dục và ngành Nội vụ hiện nay.

Thêm nữa, số giáo viên thiếu chắc chắn sẽ càng trầm trọng khi mở cổng trường trở lại sau dịch COVID-19, vì hai năm qua, việc dạy học đứt quãng do giãn cách đã khiến một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ dạy, tìm công việc mới để mưu sinh. Chưa thể biết được bao nhiêu người trong số họ sẽ quay lại trường, chỉ biết rằng nếu công việc mới ổn định hơn, thu nhập cao hơn, đỡ vất vả hơn nghề nuôi dạy trẻ thì tỷ lệ người quay lại là rất thấp. Trong khi đó, theo quy định của Luật Giáo dục 2019 về nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên Mầm non và giáo viên Tiểu học, hay theo quy định bổ sung môn Tin học, Ngoại ngữ vào chương trình Tiểu học, nhiều địa phương dù còn biên chế nhưng không có nguồn để tuyển dụng giáo viên, nhất là vùng miền núi, biên giới.

Phóng viên: Theo bà, để nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông cần được thực hiện như thế nào sao cho hiệu quả, đảm bảo tuyển dụng được nguồn giáo viên giỏi vào giảng dạy ở các cấp học?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Tôi nghĩ, để giải bài toán về biên chế giáo viên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tiêu chí “cần” là đủ số lượng và bảo đảm chất lượng; tiêu chí ưu tiên là khuyến khích, thu hút người giỏi vào nghề giáo.

Trước hết, cần thống nhất nhận thức, quan điểm về vị thế của giáo dục với ý nghĩa “là quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là “đầu tư phát triển”; và nghề giáo là “nghề cao quý” với trọng trách “trồng người”.

Thứ hai là thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng; đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29. Theo đó, cần đặt vấn đề tinh giản giáo viên trong mối tương quan chung với tinh giản bộ máy công chức, viên chức Nhà nước; nhưng phải bảo đảm điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập và chất lượng giáo dục; nghiên cứu, điều chỉnh cách tính định biên nhà giáo phù hợp với địa bàn, vùng miền; phù hợp xu thế tăng, giảm dân số cơ học tại một số địa phương, khu vực.

Thứ ba là vấn đề quan tâm chính sách nhà giáo; xác định rõ vị thế và cách ứng xử phù hợp với nhà giáo. Có giải pháp để thực hiện việc xây dựng chính sách đào tạo, tuyển dụng để có cơ chế thu hút người giỏi, có chính sách lương bổng phù hợp để nhà giáo yên tâm sống được bằng thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề dạy học. Tất nhiên cùng với đó là cơ chế để xây dựng môi trường văn hoá học đường với sự chuẩn mực về phẩm chất, đạo đức, năng lực của nhà giáo làm gương sáng cho học sinh.

Thứ tư là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục, phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trước mắt là giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên dạy một số bộ môn học đặc thù theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ngoại ngữ, Tin học, nghệ thuật,...) ở những địa bàn không có nguồn tuyển dụng.

Thứ năm là nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý về nhà giáo. Hiện nay, việc quản lý nhà giáo theo Luật Viên chức, chuyển từ chế độ biên chế suốt đời sang chế độ hợp đồng lao động đang đặt ra nhiều vấn đề: Về ưu thế, cơ chế quản lý nhân sự theo hợp đồng có thời hạn tạo nên sự cạnh tranh, để nhà giáo không ngừng phấn đấu, nâng cao chất lượng nhà giáo. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của cơ chế quản lý này là có thể dẫn tới tình trạng lạm quyền ở người quản lý cơ sở giáo dục; đồng thời cũng không còn cơ chế để giữ chân nhà giáo giỏi, hoặc không thể thực hiện được việc điều động, luân chuyển nhà giáo về những địa bàn khó khăn; dẫn tới nguy cơ làm gia tăng sự mất công bằng về chất lượng giáo dục và cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em ở các địa bàn vùng khó khăn. Vấn đề không thể có nguồn tuyển giáo viên Ngoại ngữ, Tin học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các huyện miền núi như hiện nay là một dẫn chứng điển hình; không tuyển được, cũng không thể điều động, luân chuyển được. Đây là những vấn đề đang đặt ra, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có hướng điều chỉnh thông qua việc xây dựng luật Nhà giáo sắp tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)