Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Đề xuất 51.500 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới cho 5 năm

Chi tiết bài viết Hoạt động của đại biểu

Đề xuất 51.500 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới cho 5 năm

Đa số ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với tính toán của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2021-2025 cần bố trí cho chương trình là 51.500 tỷ đồng.

Chiều 13/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến hết năm 2020, chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu được giao. Đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…

Về mục tiêu, đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Như vậy, cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM,

Còn cấp tỉnh, mục tiêu đề ra, cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo Tờ trình, đa số ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với tính toán của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2021-2025 cần bố trí cho chương trình là 51.500 tỷ đồng (gồm 38.845 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 12.655 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Tạo cốt, giữ hồn

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, 10 năm thực hiện, chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được thực hiện. Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chỗ nào có địa bàn nông thôn thì phải “làm mới”, không phân biệt nơi khó khăn, thuận lợi. Chỗ tốt thì nâng cao thành kiểu mẫu, chỗ chưa tốt làm thôn, bản rồi dần mở rộng ra.

Tới đây cũng phải rà soát lại và thực hiện theo hướng này. Ví dụ trường chuẩn quốc gia mà yêu cầu miền núi như ở Thủ đô thì có hợp lý không? Đô thị cũng có nhiều loại khác nhau, quận ở Hà Nội tư duy khác việc duy trì làng trong phố hay phố trong làng. Do đó cần phân cấp cho địa phương làm quy hoạch.

Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng cho rằng “hiện tượng bê tông hoá nông thôn nhiều quá” mà chưa quan tâm đúng mức về bảo tồn gìn giữ văn hoá làng xã. Theo ông, nên chăng có chuyên đề riêng, nghiên cứu làm sao giữ gìn bản sắc văn hoá nông thôn, bởi “những ao làng, đình làng, luỹ tre không có tội gì, giữ được mà biết làm còn đẹp hơn”.

Tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đô thị hoá cũng có hai mặt, song xây dựng nông thôn mới là “tạo cốt” nhưng phải giữ được “hồn”, bản sắc văn hoá nông thôn.

(Nguồn: Tiền phong online)